Trong quá trình tu mật chú người hành giả thường hay tơ tưởng, mơ tưởng vọng tưởng. Đôi khi tự nhiên bảo mình là chư Thiên, chư Thánh. Lại có người cho mình là Di Lặc xuống trần cứu độ nhân loại, rồi cũng tự xưng là mình đạt cảnh giới này cảnh giới khác. Đó là những ý niệm hoàn toàn vọng tưởng chấp ngã, chấp pháp không đi đúng theo con đường của Phật pháp. Họ cũng tu theo thần chú như trên. Tại sao họ lại đi không đúng vào con đường Phật pháp? Có người lại hỏi như thế.
Thật ra họ cũng tu theo những mật chú trên và tâm của họ đã đặt hoàn toàn trên nền tảng chấp ngã, chấp pháp. Vì đạo Phật luôn đi trên con đường tự tánh thanh tịnh vô ngã vô pháp. Còn cái này quí bạn nên chú ý là nếu ta đang tu, hay mới vào tu, hay tu lâu. Cho đến được gọi là danh xưng cao cả nào đi nữa. Nhưng nếu ngay đó, mà luôn dùng lời nói hành động, ngôn ngữ bảo rằng ta đây là chư Thiên, chư Thánh, Phật Di Lặc thì thật là không phải rồi. Có ai là tiên, là Phật mà tự đi xưng tụng cho mình bao giờ. Những pháp danh tướng nó đều nằm trên sự giả hợp huyễn có mà ra. Do nghiệp lực nhiều đời nhiều kiếp hình thành, do từng tập nghiệp của cá nhân, do từng cộng nghiệp của nhiều người mà hình thành tạo nên sự nghiệp cung cõi, quốc độ thế giới. Nhưng những cái tạo tác hình thành đó chúng ta hãy nhìn bằng một tinh thần đầy khách quan đi. Thì chúng ta sẽ thấy nó hình thành do từng cái, từng cái một. Hình thành từ những luồng tư tưởng, dòng tâm thức khác nhau mà cấu tạo, tạo tác nên. Thì như một ngôi nhà kiên cố bao nhiêu đi nữa, chúng cũng từ những hạt cát, từng giọt nước nhỏ, từng giọt mồ hôi. Rồi từng ý niệm của người thợ mà những ý niệm kỹ thuật của người thợ cũng do những người đi trước góp nhặt mà hình thành thôi. Rồi qua đó cũng có tư tưởng ý niệm của người chủ gia là mình, mà ý niệm tư tưởng xây dựng ngôi nhà này cũng do thời gian công sức làm lụng kiếm tiền vàng để giả hợp lại. Rồi hình thành ngôi nhà.
Như vậy các tướng các pháp do duyên hợp như vậy mà hình thành. Cho nên đức Phật bảo rằng nó không có thực tướng. Vì không có thực tướng chỉ có giả tướng là ngôi nhà thôi, theo thời gian vài ba chục năm hay trăm năm gì đó ngôi nhà đó cũng suy xụp, cũng phải bị thành, trụ, dị hoại, diệt chi phối. Từ đó nếu chúng ta nhìn với một khía cạnh khách quan, chúng ta sẽ thấy các pháp đều là giả danh duyên hợp cả. Cho nên gọi là vô pháp. Từ cái nhìn giả danh, giả tướng, vô tướng, vô pháp kia. Hiểu rõ như vậy các bạn hãy đem cái diệu lý đó quán soi lại những hành động, những ngôn ngữ của những ai xưng cho mình là Thánh, là trời Phật, là đức Di lặc đều nằm trên sự tham danh. Khoái cái mỹ danh, tham cầu cái pháp mầu huyền diệu của chư Phật, Bồ Tát, chư Thánh chúng. Nhưng không ai có đủ bản lãnh, đủ trí huệ tu học quán soi chứng thực tướng của nó. Chỉ có biết mơ vọng tưởng tham cầu tự xưng cho mình là được như thế. Đây là một cái bệnh nan y khó giải trừ được của mọi người hành giả. Nếu chúng ta còn nghi ngờ là người đó cũng có mang bên mình mật chú, nhưng sao họ lại còn chấp pháp chấp ngã như trên.
Các bạn không tin, thì các bạn hãy nhìn kỹ lại những con người đó, tập thể đó. Khi có chuyện gì thị phi thì thôi! Đầy trong lòng tham sân si tráo trở, tham muốn viết lên nhiều điều dèm pha, tráo trở. Ngày đêm đi soi bói chuyện gia đình, móc moi ra viết. Làm vậy để tỏ lòng giận hờn ghen ghét. Có những vị từ ngày xưa đến nay,cho rằng hạnh đức cao cả cũng nhảy xuống viết qua viết lại như người chưa biết bao giờ. Thấy không các bạn! Hãy nhìn cái nhìn của mình đi để từ đó chúng ta củng cố lòng tin của mình mà tu học tốt hơn.
Những điều nêu trên cũng đều do sự mê mờ, u muội của chúng ta mà ra cả. Khi các bạn nhìn thấy những lời nói này rồi, các bạn hãy phân định lại đi. Ở đây, ở đó có phải họ đang dạy cho người tu theo Phật pháp không? Họ có tự xưng chấp pháp, chấp ngã quá không? Khi đã nhận định kỹ rồi các bạn mới quyết định thâm nhập tu học, chứ không uổng phí một đời tu. Cứ tu, cứ trì niệm mãi mà chúng ta không thấy được sự định tĩnh, định tâm. Mà đã không có định thì làm sao có Huệ, không có Huệ sáng suốt thì cuộc sống không có sự an lạc hạnh phúc.
Qua những ý niệm trên chúng ta sẽ thấy có những dòng tâm thức như thế nó lồng vào những ý niệm tâm thức chúng ta lúc nào không hay. Cho đến một ngày nào đó tâm thức ý niệm ta cứ mãi duyên theo những sự kiện thị phi trên, thì khi đó sự kiên trì cùng lòng tin chúng ta lần lần phai nhòa. Nó phai nhòa mất lòng tin đi không phải do Phật pháp không nhiệm mầu, mà là do sự tín nhiệm của chúng ta đặt sai lầm như trên. Chúng ta cứ chạy mãi theo những vọng niệm trên, khi đó ngay đó bao giờ chúng ta cũng cho là phải cả. Vì tất cả mọi người họ cũng chạy theo ý niệm trên, mà người tu của chúng ta là luôn luôn phải tỉnh giác quay về với cái bản tâm chánh niệm của mình.
Chánh niệm là gì? Là chúng ta đừng mê mờ chấp hai bên đúng và sai. Những cái khuôn khổ, những cái mẫu mực người ta đặt ra để phân định có không đó. Chúng ta không chấp lấy, không bỏ nó. Nhưng khi quí bạn nhìn thấy một vọng tâm lên, các bạn hãy chân thành ngay chỗ đó mà biết nó thiện và ác. Rồi cũng ngay giờ phút tích tắc đó, bạn nên niệm “ Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha. Bộ Lâm” Cứ như thế tất cả mọi vọng niệm nó lóe lên, bạn hãy niệm “ Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha. Bộ Lâm” Bạn không cần phải kích bác nó, bỏ nó Bạn hãy biết nó rồi niệm thần chú như trên. Lần lần những ý niệm ( những chúng sanh đó) bạn sẽ hóa độ nó bằng thần chú Chuẩn Đề. Ngay đó bạn cũng như một vị quan tòa. Với tư cách là đứng ngay đó để làm chủ, rồi để với người thiện và ác, ý niệm thiện ác đó nhận ngay thần chú Chuẩn Đề. Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha. Bộ Lâm. Hai chúng sanh ý niệm đó đều được nhận món quà vô giá đó. Chúng ta nhìn thấy sự kiện đó, thấy nó diễn ra với một nội dung rất tầm thường. Nhưng ngay chỗ đó nó mang đầy tính Phật pháp cao cả giải thoát.
Hàng ngày ta có bao nhiêu ý niệm thiện ác như thế? Nếu hàng ngày ta cho được một trăm ý niệm chúng sinh trên nhận được như vậy. Khi nhận rồi, tức là ý niệm đó nổi lên, ta tỉnh giác ngay đó niệm “ Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha. Bộ Lâm” Ý niệm chúng sanh đó niệm xong rồi, ôm hành trang đó ra đi. Chúng ta tưởng chừng như nó đã đi mất, nhưng thật tế không phải như vậy. Những ý niệm chúng sanh đó nó đi vào tàng thức của chúng ta. Một ngày nào đó nó đủ duyên, có đủ thời gian, không gian, quang cảnh, tới nói ngôn ngữ sự kiện cùng con người như nội dung giả tướng đã xảy ra vừa qua. Thì chúng dùng ý niệm, thọ cảm, ý thức, sắc, tưởng hành mà duyên lại cảnh cũ. Con người chúng ta không tu thì cứ như vậy. Như bánh xe luân hồi. Vòng tròn luân hồi cứ mãi mãi lăn không dừng trụ. Còn chúng ta là người hành giả mật chú Chuẩn Đề. Chúng ta đã dùng tâm ấn Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha. Bộ Lâm. Ta đã ấn lên những ý niệm chúng sanh đó, ta đã hóa độ chúng rồi. Cho nên cũng trong vòng sanh tử luân hồi đó chúng cũng trở lại. Khi chúng trở lại gặp người chủ cũ, chúng bèn thốt lên: Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha. Bộ Lâm. Đó là con đường hóa độ chúng sanh, mà trong kinh Kim Cang Đức bổn sư Thích Ca Mâu Ni và trong ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai có vô lượng vô biên chư Như Lai đã nói: “ Hóa độ vô lượng chúng sanh, nhưng không có chúng sanh nào diệt độ”.
Ở đây đưa lên những ý niệm đó. Để khẳng định chứng minh một điều là: Tâm Mật, giáo pháp mật chú Chuẩn Đề đã hiển hiện trên Phật pháp ba đời của chư Như Lai.
Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha.” Bộ Lâm” Thần chú Chuẩn Đề chỉ có chín chữ như trên. Nhưng thần chú Chuẩn Đề bao hàm cả vạn pháp là vậy. Nó luôn tàng chứa những bí pháp của chư Như Lai. Cho nên thần chú Chuẩn Đề là một pháp môn vô thượng luôn đưa con người chúng sanh đến bờ giải thoát. Người hành giả chuyên tu trì về mật chú Chuẩn Đề, ngay kiếp này được diệt nghiệp thành tựu quả vị. Con người mưu cầu hạnh phúc, an lạc ở thế gian hay cung cõi khác chuyên trì niệm sẽ được như sở cầu.
Trong chương mục “ Nhập đạo yếu môn” này mong quí bạn hãy nhìn kỹ xem cho tường tận, rồi ngay chỗ đó hạ thủ công phu. Các bạn hãy nên nghiên cứu cho thật kỹ về tất cả ngoại duyên. Do nhiều lời nói thị phi về pháp môn, nhiều lời nói thị phi về phương pháp tu học mật chú Chuẩn Đề. Rồi cũng nhiều lời nói thị phi về tất cả những người đi trước. Những lời nói thị phi đó khi các bạn nghiên cứu kỹ, thấy những nội dung chi tiết nằm trên lòng tự kỷ, ngã chấp, tham, sân, si. Thì các bạn hãy coi như gió thoảng bên tai, bình tĩnh thọ nhận pháp tu, tinh tấn một đường.
Đạo không nằm trên những ngôn thuyết của ngã chấp, mà các bạn hãy tỉnh giác tu học. Thực hành trở thành một hành giả, thì các bạn sẽ nếm được hương vị của đạo ngay trong đó. Đạo không lý thuyết, lý luận buông lung, đạo chỉ chú trọng thực nghiệp để chứng.
Cư sĩ Thanh Hùng
Mật tông hiệu: Kim Cang Kiết Tường
COMMENTS