Web Analytics Made Easy - StatCounter
HomeTiêu Điểm

CUỘC HÀNH TRÌNH KHÔNG CÓ ĐIỂM KHỞI HÀNH ĐIỂM ĐẾN

Cuộc hành trình không có điểm khởi hành điểm đến

 

Trong phương pháp tu Thiền quán Mật chú Chuẩn đề này đòi hỏi người hành giả phải biết rõ về Hiển giáo, biết rõ về căn bản nền tảng của Mật chú Chuẩn đề.

Ở những bài luận trước chúng ta lần lượt quan sát qua các sở hành của tâm thức, từ từ đi vào chiều sâu của sự thực hành. Ở ngay những ý niệm này, chúng ta sẽ quan sát tiếp về ấn tướng, ý niệm của mình khi kiết ấn.

Người hành giả dùng 10 ngón tay của mình chuyển động mở khép chéo với nhau, cuộn với nhau rất nhiều động tác kiểu dáng khác nhau để đến khi dừng trụ lại thể hiện nên một hình tượng ấn tướng. Người tu về Thiền Mật này sẽ gặp rất nhiều hiện tượng, có người hành giả trong khoảng thời gian tu tập theo căn duyên phước báu của mình có thể chuyển động, chuyển một loạt rất nhiều ấn như vậy trong những giờ hành trì. Cũng có người biết man mác đôi chút, rồi cũng có người nhìn thấy sự chuyển động hình thành nên những ấn tướng. Nhưng đa số ở đây người hành giả bao giờ cũng khởi sự nghi của mình trong tâm thức. Họ ngĩ có phải đây là những ấn chứng, có phải đây là cái này, cái kia? Sự suy nghĩ lung tung khiến cho người hành giả khó định tâm được. Cho nên người đi trước thường bảo tu theo Mật tông phải có thầy chỉ dạy rõ là vậy. Nếu ngay sự chuyển động đó người hành giả đó không được một bậc thiện tri thức, hay nôm na là gặp những người đi trước chỉ dạy thì mãi ôm mối nghi đó trong lòng. Sự hành trì thiếu sự tín tâm rõ rệt không được ấn tâm.

 Ấn tâm là những phương pháp bao gồm động tác ý niệm của những người đi trước đã thực hành bằng sự an lạc, thoải mái có đầy đủ túc duyên lành được chỉ dạy rõ ràng. Đem lại so sánh và ráp lại thành một cái khuôn như một. Tâm người đi trước ấn lại tâm người đi sau không khác những hình ảnh ý niệm. Hai tâm này thành một gọi là ấn tâm, tâm ấn. Được như vậy người hành giả đi sau mới thoải mái một lòng kính tin thực hành, một lòng tinh tấn.

Qua sự kiết ấn tôi muốn quí vị hãy tĩnh tâm quán xét lại những động tác, những ý niệm cùng những năng lực đã chuyển đông qua tâm thức não bộ để ảnh hưởng lên hệ thần kinh của mình vận động mà hình thành ấn tướng. Chúng ta nhìn lại tâm thức hành động trên cơ thể ta. Ở đây tôi sẽ khái quát đôi chút vấn đề, còn đi sâu hơn nữa chúng ta phải thực hành. Trong thực hành các bạn sẽ thấy nó như thế nào? Từ cơ sở đó các bạn nên tạo cơ duyên để chúng ta gặp nhau, sẽ có những giờ phút cùng trao đổi với nhau.

Bây giờ chúng ta nhìn lại thân tâm của mình, hãy nhìn bằng cách khách quan, tâm thăng bằng, tâm quân bình không nghiêng lệch về một khía cạnh nào cả. Đó là “Chính Kiến”. Chúng ta hãy quan sát ngay bản thân chúng ta sẽ thấy; da, thịt, gân xương, tóc, lông, nước mũi, nước dãi, nước tiểu…tất cả các chất thải; mồ hôi, nước mắt, lỗ chân lông…Ngay đây nếu chúng ta phân định thì sẽ thấy tất cả từng chi tiết một vừa phân tải ra đều có một nội dung đặt trên nền tảng duyên. Từng giọt mồ hôi nước mắt cũng đều hình thành do nhiều nguyên tố phân tử nhỏ nhặt li ti khác nhau hợp thành, chúng được hình thành tạm gọi là phân định trên một lộ trình căn bản âm dương Tứ đại Ngũ hành rõ rệt. Đó là phần thô còn nói về phần vi tế của nó “hành nghiệp” thì chỉ có những hành giả thâm nhập vào tâm pháp họ sẽ chứng đắc thấy ở đây những giọt mồ hôi, giọt máu, giọt nước mắt nó tác động hình thành phần thô này trên cơ bản “ Thuỷ đại’’. Nhưng ngay trong nghiệp lực tác duyên hình thành chúng cũng có chủng Hoả đại, Địa đại, Phong đại.

Nếu một mình ở Thuỷ đại không thì thuỷ nước không có. Nếu ở biển không có gió thì biển không động, không sóng không tồn tại. Nếu không có ánh nắng mặt trời và nhiệt năng trong nước, trong biển thì cũng không có biển, rồi không có đất thì cái gì bao bọc lấy nó giữ nó. Mặc dù chúng ta thấy trên phần thô của chúng, nhưng bên trong ấy 1 là 1, 4 là 1. Bản chất của 4 đại là vậy. Như vậy chúng ta sẽ thấy vạn vật luôn nằm trong trạng thái vô thường chuyển biến luôn sanh diệt. Từ sự vận động chuyển động đó đến lúc có ý niệm đến thì “Thức” ở sự vật Ngũ hành sẽ thể hiện; Kim, Thuỷ, Mộc,Hoả, Thổ.

Ở con người thì có thân thể cũng do tứ đại ngũ hành duyên hợp. Nhưng ở đây có phần “ Nghiệp thức”, “Tâm thức”  cho nên trong thập nhị nhân duyên của Đức Phật nói: Khi thức sanh thì “ danh sắc” sanh. Danh sắc ở đây nói một cách đơn giản là những phần nào chúng ta không thấy được như gọi, tâm, thức…thì gọi là danh. Phần nào thấy được như; thân thể, đá, cây…gọi là sắc. Danh sắc đã sanh thì “lục nhập” sanh: Là sáu chỗ để cho; sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp nhập vào tàng nơi đây gọi là Lục căn: Nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý chứa nhóm lại gọi là Nhãn căn. Đã có Lục nhập thì sẽ có xúc. Căn tiếp xúc với Trần ví như Nhãn tiếp xúc với Sắc… Đã tiếp Xúc thì sanh-  Thọ, Thọ sanh – Ái, Ái sanh – Thủ, Thủ sanh – Hữu, Hữu thành Sanh – Sanh hình thành Lão Tử. Ở đây chỉ nói sơ lược qua thập nhị nhân duyên để tạm chỉ sự chuyển động hình thành ấn tướng, chứ không đi sâu vào Thập nhị nhân duyên.

 

Thân thể, tâm thức ta nó đã hình thành như thế, nhưng ở trên bề mặt cơ thể ở da, xương, cốt, tuỷ, máu, thịt, tóc, ngón tay, ngón chân…các cái đều có liên quan mật thiết với nhau qua lý Tứ đại, Ngũ hành. Ở những ngón tay nó có ngón chỉ; Mộc tinh, Thuỷ tinh, Kim tinh, Hoả tinh rất khác nhau. Ở những ngón tay này nó sẽ được chuyển động theo trung khu thần kinh, thần kinh cảm giác, thần kinh vận động. Nhưng cái gì để tác động lên não bộ trung khu thần kinh. Đó là tâm thức, một cái biết sâu xa, nhưng không nói ra được không chỉ ra được gọi là tâm thức, tâm tánh, danh thức.

 

Đây là mấu chốt chúng ta hãy quan sát vào nơi đây để thấy sự hình thành của ấn tướng. Nhưng đây chỉ là một phần nhỏ, một khía cạnh nhỏ nó là những hạt cát đất dính nơi móng tay của chúng ta. Còn cái gì gọi là Phật trí thì như đất của vũ trụ này. Người học chúng ta phải nhìn thấy, biết như vậy để tự soi lại với lòng mình, dẹp đi cái ngã mạn cái thân cái tâm này. Người xưa người ta xem nó như vải bọc đựng những đồ hôi tanh thối tha và những ý niệm chúng ta đang thấy ngay nơi đó cũng không có gì cả. Hãy xem như một cơn gió thoảng hãy nhẹ nhàng tu học.

 

Đạo thiền gió thoảng mây bay,

Xuân thu vạn dặm dấu giày nào in.

 

Cư sĩ Thanh Hùng

Pháp hiệu: TC Trí

Mật tông hiệu: Kim Cang Kiết Tường

 

COMMENTS

WORDPRESS: 0