Web Analytics Made Easy - StatCounter
HomeTiêu Điểm

KHÔNG BAO GIỜ CÓ TIẾNG VỖ TAY

Screenshot

KHÔNG BAO GIỜ CÓ TIẾNG VỖ TAY

 

Trong bước đường tu học của chúng ta ở mỗi cấp độ tư tưởng diễn ra khi chúng ta huân tập tu phải nên thật tỉnh giác. Chúng ta phải thực sự quan sát biết rõ và vị trí cấp độ tu của mình trong vô số kiếp sinh tử chúng ta đã huân tập những gì? Hoàn toàn chưa biết! chưa hiểu rõ đang trong tình trạng vô minh. Cho nên khi chúng ta vào thực nghiệm tu học luôn phải biết rõ, suy nghĩ nơi tự tánh thanh tịnh.

Ở đây lấy kinh Kim Cang, Bát Nhã làm kim chỉ nam. Khi chúng ta tu tập trong mỗi chặng đường phải luôn đặt vị trí tâm của mình trên nền tảng của kinh lý Phật tánh thanh tịnh này. Ở một diễn đàn nhỏ bé này, mà kêu gọi quí bạn quan sát đến  hiểu lý tánh kinh đó thì đôi khi nó cũng rất khó. Có nhiều người nói với tôi: Tại sao viết những loại bài thể hiện như vậy? khiến cho rất nhiều người phàn nàn nói là “ tư tưởng cao quá, xa vời quá. Viết thấp hơn”.

 

Ở đây chúng ta đã thấy rồi. Con người hiện tại đây nó đã bao đời lăn lộn luân hồi sanh tử, muôn điều vạn điều đến vô lượng vô biên những thứ những loại những cái…đã làm mình đau khổ. Hết cuời rồi khóc, hết khóc rồi bệnh, sanh rồi lão. Mắt xích này nó chằng chịt duyên khởi trùng trùng. Sao ngay đây không mạnh dạn dùng trí huệ chặt đứt nó đi. Hãy thử một lần can đảm! Hôm nay chưa hiểu, thì hỏi, thì học. Ngày mai sẽ hiểu. Hãy quyết tâm!  hãy suy nghĩ: Mình sẽ thành Phật, Bồ tát giải thoát. Có mạnh dạn học, suy nghĩ như vậy còn hơn muôn đời cứ tự lầm lầm, lũi lũi đi trong sự vô minh cho rằng mình thấp hèn, thấp kém.

 

Nói như vậy! như là một cú sét đánh đến tai quí bạn. Hãy tỉnh lại! Hãy tự tin chính mình, tự xem coi quan sát lại kinh Kim Cang, Bát Nhã, Mật chú Chuẩn Đề. Nó cao thật đối với người cho rằng nó cao, nó thấp thật đối với người cho rằng nó thấp. Hai phạm trù này nó không có trong kinh Kim cang, Bát nhã, Mật chú Chuẩn Đề. Ở đây chỉ dạy cho người ta sống một đời sống thật chân thật ngay nơi chính mình.

 

Ngay nơi Mật chú Chuẩn Đề: Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha. Bộ Lâm, những âm từ ngữ ngôn này nó hoàn toàn không có một nghĩa lý gì cả. Nó chỉ có âm ngữ như vậy.Các bạn thọ nhận nó ngay nơi đó đọc :Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha. Bộ Lâm. Quí bạn đang đọc niệm như vậy.Các bạn có nghe biết rõ ràng nơi đó không? Nếu chúng ta tỉnh thức hoàn toàn sẽ nghe rõ, biết rõ. Đọc Om Ma Ni Pad Mê Hum cũng nghe rõ. Đang đọc như vậy. Tiếng chim hót bạn có nghe không? Nghe chứ! Tiếng cười nói của người cũng nghe, trước mắt cũng nghe. Và nếu ngay nơi đó miệng bạn nếm vị cũng biết rõ, muỗi cắn trên thân cũng biết và mọi cái đều biết. Như vậy, một loạt sự lý diễn ra có những cái khác nhau, vì nó được trải qua ở lục trần: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Nó khác nhau như vậy, vì ngay đó ta có căn. Căn là sự chứa nhóm, thì như nhãn căn là sự chứa nhóm của mắt. Nó được huân tạo nhiều hình ảnh do mắt ( nhãn căn) tiếp xúc với trần là sắc gồm; đỏ, hồng, xanh, đen …các loại. Cho nên, khi lục căn tiếp xúc với lục trần. Ngay nơi đó căn đã có sẵn những gì huân tập từ trước. Cho nên liền ngay đó lục thức; nhãn thức – sự biết của mắt cho đó là sắc; hoa, hồng, đỏ, vàng, tím v.v… Từ biết đó sanh ra thọ cảm, ái luyến. Tốt thì vui, xấu thì buồn. Được sanh vui hỷ lạc, mất không được thì sanh ra sân. Từ đó tham, sân, si sanh. Tham, sân, si sanh thì vô lượng vô biên pháp sinh theo thế giới, nghiệp thức trùng trùng duyên khởi. Còn nếu ngay nơi đây mắt ( nhãn căn), hay lục căn tiếp xúc với lục trần hai cái này không dính vào với nhau thì không có lục thức các nghiệp ngừng lại.

 

Ở đoạn trước, tôi hỏi quí vị một loạt câu hỏi là:  Nếu đồng một lúc mắt thấy rõ biết, tiếng động tai vẫn nghe rõ, thân cảm xúc vẫn biết rõ, mũi ngửi mùi cũng biết rõ, lưỡi nếm vị cũng vậy. Thì ngay đây chúng ta sẽ thấy thực sự trở về với thực sự với tâm thanh tịnh của chính mình . Nếu chúng ta đứng ngay vị trí vô phân biệt. Nghĩa là ngay vị trí biết rõ đó, thì dù có vạn pháp sanh ra đau khổ, buồn vui, thiện ác gì đi nữa  thì chỉ có cái biết rõ. Cái biết rõ đó các bạn có thấy không? Ngay nơi mắt, ngay nơi tai cho đến mũi, lưỡi, thân nó đều đồng như nhau không khác, cũng không hình tướng, không trước, không sau. Vì nhãn mắt cùng biết rõ như vậy, tai cũng vậy. Cái biết rõ đó ở nơi đâu cũng như vậy, không đến trước, không đến sau, như đến như không, như lai như khứ. Ngay nơi đây chúng ta sẽ thấy hoàn toàn từ vô thuỷ vô chung. Nếu đứng ngay tự tánh vô phân biệt đó, thì lục căn và lục trần không bao giờ sáp nhập với nhau. Cho nên không có lục thức phân biệt sai trái vọng niệm đó. Ngay đây chúng ta sẽ thấy không có lục trần, lục căn, lục thức, 18 giới. Không có 18 giới thì không có thế giới, thời gian không gian, không có sanh cũng không có diệt kinh Bát nhã cũng thể hiện lên ngay đây.

 

Chúng ta đã quan sát qua một loạt ý niệm, quí bạn có thấy sự cao thấp nơi đó không? Một lẽ sống thật bình thường nếu chúng ta tỉnh giác. Nếu chúng ta chưa thấy điều đó, thì hãy tự xem lại quan sát lại, hãy đảnh lễ Đức Phật, hãy đảnh lễ kinh Kim Cang, hãy đảnh lễ kinh Bát Nhã Ba La Mật, hãy đảnh lễ Mật chú Chuẩn đề, hãy đảnh lễ Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn. Vì khi chúng ta chí thành tâm nguyện đảnh lễ như vậy, thì ngay nơi tâm ấy nó sẽ nhẹ nhàng nhớ nghĩ đến những nghĩa lý chân thật đó, thấy trí huệ của bậc Chánh đẳng Chánh giác không thể nghĩ bàn được.

 

Ngay nơi bản thân tôi khi xem qua những kinh chú đó lòng thật chí thành, nước mắt tôi rơi xuống lòng quá xúc động nhớ nghĩ đến công đức trí huệ siêu việt của Đức Phật. Ngài đã cho tôi quá nhiều, cho dẫu trong vô lượng kiếp thân tôi làm hạt cát, đất để cho Ngài đi lên cũng khong thể trả được cái ơn đức đó.

 

Chỉ có trí huệ đó mới phá tan những phiền não vô minh muôn đời. Vì khi tâm ta hàng phục qui về nơi tự tánh thanh tịnh đó, mọi vật mọi pháp, phiền não, an lạc, niết bàn, thánh phàm không có một sự ảnh hưởng nào cả. Muôn pháp là muôn pháp – tự tánh là tự tánh muôn đời không sai khác có sẵn từ bao đời – không tu không đắc-  đạo ấy nơi tâm.

 

Một sự thật hiển bày ra ngay nơi tâm mình, tất cả các pháp cũng nơi ấy. Đây là một cái lý quí bạn nên thấy hiểu rõ như vậy rồi cũng phải đi vào thực hành ở sự lý nơi đây. Ta thấy nó không có tự tướng; tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả. Về mặt lý thì thấy rất nhẹ nhàng, thấy nhận tưởng như ta đã thành Thánh, Thần, Phật liền ngay nơi đó. Chúng ta phải coi chừng sự đạo diễn của tâm thức. Nếu  ngay đây có ý niệm về mình, thì sẽ có người. Có người thì liền sanh cảm giác, cảm xúc thiện ác tất chúng sinh. Khi có chúng sinh rồi buồn vui, an lạc, khổ…tướng thọ giả đến ngay. Con người chúng ta tu khó thoát ra khỏi tứ tướng này. Cho nên quí bạn phải rất tỉnh giác. Phải biết rõ từng chi tiết, nội dung của các pháp khi đi qua mà tâm đừng lưu luyến dính mắc hay buông bỏ.

 

Khi chúng ta thực hiện một pháp tu mà dính mắc vào nó như có những ý niệm là tôi đang tu pháp này để độ chúng sinh, để diệt trừ vọng niệm để thanh tịnh. Nếu chúng ta khởi nghĩ như vậy, thì sẽ đầy đủ tứ tướng trong đó đang thấy mình có tu, đang thấy mình độ, đang thấy pháp đó dẫn đến an lạc, thấy cảnh giới định loạn, tốt xấu đều là tướng ngã.  Thấy mình đang tu là tướng nhân. Thấy độ người, thấy cảnh giới định loạn là chúng sinh. Tướng thọ giả là thấy an lạc. Như vậy khi người hành giả thực hiện pháp tu hiển lý như vậy họ luôn trong tâm  ( cả thảy sự vật) luôn thấy rõ Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha. Bộ Lâm. Ngay nơi đó chúng ta thấy hình như có tướng nơi đó, chúng ta sẽ nghi ngay nơi đó. Nhưng thực tế tâm biết từng pháp qua thể hiện lên Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha. Bộ Lâm. Ngay nơi đó có cái biết rõ ràng luôn có mặt hằng có, đồng với cái biết vạn pháp. Cái biết đó không có thân, nó không có dính dáng vào một pháp nào cả. Buồn nó cũng biết, vui nó cũng biết. Ở bất cứ một pháp, một ý niệm nào nó cũng biết. Ở địa ngục nó cũng biết, thiên đàng địa giới cũng vậy. Nó biết trước khi có vật, sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

 

Văn kinh:  Phật bảo Tu Bồ Đề. Các vị Bồ tát lớn, nên như thế hàng phục tâm kia. Có tất cả các loài chúng sinh hoặc loài sinh bằng trứng, hoặc loài sinh bằng thai, hoặc sinh chỗ ẩm ướt, hoặc hoá sinh, hoặc có hình sắc, hoặc không hình sắc, hoặc có tưởng, hoặc không tưởng, hoặc chẳng có tưởng chẳng không tưởng ta đều khiến vào vô dư Niết bàn mà được diệt độ đó. Diệt độ như thế vô lượng vô số, vô biên chúng sinh mà thật không có chúng sinh nào được diệt độ. Vì cớ sao?

 

Này Tu Bồ Đề! Nếu Bồ tát còn có tướng ngã, tướng ngân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả tức chẳng phải Bồ tát.

Trích đoạn 3 Chánh Tông của Đại Thừa

Cư sĩ Thanh Hùng

Pháp hiệu: TC Trí

Mật tông hiệu: Kim Cang Kiết Tường

COMMENTS

WORDPRESS: 0