Mật đạo vi thể
Trong bất cứ pháp môn tu học nào của nhà Phật cũng đều đặt nền tảng căn bản ngay hơi thở của mình. Trong đời sống hơi thở rất quan trọng. Khi thai nhi trên đường phát triển hình thành, hơi thở cũng sẽ đến trước. Nó luôn đi cùng ý niệm. Thân tứ đại của thai nhi; đất, nước, gió, lửa bắt đầu hình thành, thì ý thức cũng sẽ hình thành hiển hiện và khi đó hơi thở cũng sẽ bắt đầu theo. Hơi thở ấy nó mang theo gắn liền với thân ta trong suốt thời gian mà chúng ta gọi là sự sống, vui cũng có mặt nó, buồn tủi hờn giận si mê, khổ đau an lạc cũng có nó đi theo. Như vậy chúng ta nhìn thẳng một cách khách quan để quan sát nó, thì ở thân hữu hình tâm thức, thọ cảm…khi chúng ta vui hởi thở thấy khác, khi buồn giận, si mê…tất cả đều khác. Hơi thở dài, ngắn, mạnh, yếu đều liên quan mang một nội dung chi tiết khác nhau.
Vì sao? Khi nói đến hơi thở lại dùng ngôn từ là nội dung, chi tiết nghe khó hiểu. Đó là chúng ta nhìn ở bề mặt hữu hình thì thấy nó lạ, nhưng khi một người hành giả đi sâu vào quán niệm hơi thở để tự chứng, nhìn thấy nó diễn biến như thế nào từ thân đến tâm thọ cảm sẽ thấy nó có nội dung chi tiết thật rõ ràng. Vì khi nhìn thấy được như vậy, thì người hành giả sẽ thấy được những phần chi tiết giả hợp của thân và tâm. Nhìn thấy nó với dạng của những hạt nguyên tử, phân tử cùng năng lực, sức hút, sức đẩy xoay ngược chiều, cùng chiều sinh diệt còn mất chuyển đổi sang hình thức khác nhau. Rất nhiều những chi tiết như thế, sự chuyển động tạo thành những điện năng ( năng lực) để luôn luôn chuyển hoá. Ngay đây đức Phật bảo rằng “ Vô thường”. Nó không có thực thể của nó. Từ những hạt cực nhỏ mà đến ngày nay, nền khoa học đã khám phá đã thấy nó. Nhưng nếu chúng ta bảo rằng những hạt đó là cực nhỏ để hình thành sự vật, sự sự trùng trùng duyên khởi, thì chưa chắc. Vì sao? Vì nếu nó đã hình thành có hình tướng, mặc dù thật cực nhỏ, nhưng chúng ta phải nhìn nhận rằng nó cũng được hình thành bằng những hạt cực cực nhỏ hơn hạt đó nữa, mà khoa học chưa tìm ra nó.
Ở cái sự vật hữu hình đó mà chưa tìm thấy nó, thì tìm tâm tánh, làm sao gặp được? Vì những phát minh những thành tựu của khoa học hiện tại đến nay cũng từ cái gọi là “ Tâm” mà hình thành biết nó. Vì chính những cá nhân, nhà bác học đó họ cũng đã dùng những cái biết ( Thức biết) từ trong tâm của họ mà ra. Nếu vậy thì đức Phật, Ngài đã nhìn thấy chứng đắc được cái biết không thể nghĩ bàn đó. Ngài đã nói: “ Vạn vật duy tâm, vạn pháp duy thức”. Tất cả cho đến ngày hôm nay chúng ta đã nhìn thấy nội dung chi tiết đó, nếu chúng ta xâm nhập vào giáo pháp tu học của đức Phật.
Trong giáo pháp của đức Phật có rất nhiều tông phái khác nhau như; thiền tông, mật tông, tịnh độ…rồi lại có những phương pháp tu của phật giáo nguyên thuỷ…nhưng tất cả cũng đều qui về sự chứng giải vô thường, vô ngã, phải nhìn thấy rõ sự khổ, lạc hình thành, sự khổ, lạc qua thân, tâm, thọ, pháp.
Ở Nguyên thuỷ thiền quán Vipassanar là một môn thiền quán thật chi tiết từng nội dung sinh diệt vô ngã của thân, tâm, thọ pháp của vạn pháp. Ngay đây nếu người hành giả chuyên tâm tu học theo pháp thiền này sẽ nhìn thấy, biết tất cả những hành trạng nội dung chi tiết của vạn vật, tâm pháp thọ cảm ở những chi tiết vi tế. Khi chứng ngộ sẽ ở những cảnh giới tâm pháp này, người hành giả luôn luôn tâm phải tỉnh giác, xem tất cả những hành pháp đó với tâm quân bình, bình thản không nghiêng lệch chấp dính bất cứ một khía cạnh nào, vì tất cả đều sanh diệt trùng trùng duyên khởi. Đây cũng là sự trở lại từ trong tự tánh thanh tịnh hằng biết của mình.
Rất hay, nói lên danh từ này để làm chi? Để nói rằng tất cả các pháp của đức Phật đều hay, đều dẫn chúng sinh thoát khổ đến sự giải thoát. Chúng ta hãy nhìn kỹ, hiểu kỹ ( văn, tư, tu) để suy nghiệm lòng nhẹ nhàng an lạc không phải nghĩ pháp này tốt, pháp này xấu, bỏ cái này lấy cái kia chê trách tham đắm đủ điều. Khi khởi tâm hạnh ấy để tu, tức là chúng ta đang tham đang si mê đang sân. Mà đã đặt nền tảng tham, sân, si thì sao mà an lạc, thoải mái khi thực hành pháp. Ở đây xin nói sơ lược về các pháp, còn những nội dung bài viết sau tôi sẽ đi vào chi tiết rõ hơn.
Ở khía cạnh thiền Nguyên thuỷ. Chúng ta nếu cố chấp phân biệt chúng ta sẽ thấy y vậy, nhưng với tấm lòng đầy tham, sân, si. Thiền nguyên thuỷ ngay nơi đó nó cũng có cốt cách Đại thừa ngay nơi đó. Cũng nhìn ngắm quán sát sự vật duyên khởi sinh diệt chúng không có bản thế nhất định, chúng do sự duyên hợp tánh không. Ngay nơi đây người hành giả có cái thấy như vậy, cho đến khi cái biết Nguyên thuỷ hằng có của nó đã là như nó.
Thiền Đại thừa Bắc tông đi vào quán các pháp, cũng nhìn thấy sự duyên hợp giả có của nó. Nó hình thành trên sự thành trụ di hoại diệt, chúng cũng không có thật thể của nó. Khi thấy sự vật như vậy hành giả luôn quán tâm cũng như vậy, cho đến sự như vậy, lý như vậy không có mặt ở đó, nhưng có khắp ở mọi nơi. Tổ Huệ Năng diễn đạt ngay đây là: “ Có cả thảy sự vật là tâm, Ly cả thảy sự vật là tánh”. Một sự diễn đạt thật gọn nhẹ, rõ ràng chân thật. Những chi tiết những nội dung này của các pháp, nó cũng đều nằm trong tam tạng kinh của nguyên thuỷ ở bộ Vi Diệu Pháp.
Ở đây nói đến Tịnh độ Mật tông cũng vậy. Người hành giả mật tông luôn phải hiểu biết rành rõ chứng giải về sự lý hiển giáo trên. Họ bắt đầu sự thật hành thâm sâu vào giáo pháp, họ đi sâu vào thiền định, tuệ quán cũng vậy. Thấy tất cả những điểm hạt nguyên tử , phân tử trên bằng những thọ cảm thấy ánh sáng, thấy biết sự chớp sáng đó là Mật chú Chuẩn đề. Ngay đây họ không còn dùng khẩu để niệm Mật chú nữa âm thanh sắc tướng thô Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha. Bộ Lâm. Không còn nữa, mà ngay nơi đó có sự tưởng niệm biết rõ thần chú Chuẩn Đề trong từng giác niệm. Tất biết rõ Mật chú Chuẩn Đề: Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha. Bộ Lâm trong từng điểm nhỏ ly ti, trong từng sự rung động chuyển động của năng lực. Tất là họ thấy biết trở về với chân chú “ Kim cang tạng” Đây là giáo lý mật của hệ Kim Cang. Họ thấy những sự chuyển động, màu sắc rung động; Om, Hùm…hay những tiếng tướng trong thiền định qua sự quán xét của tuệ quán. Nói chung tất cả sự chuyển động ấy là pháp, là vật, tâm là thọ hình thành nên tập nghiệp bất thiện, thiện cùng vô ký.
Như vậy sự thấy quán sát tu tập duyên khởi, tất cả sự vật đó để hình thành nên chân chú ( phật đạo). Đó là pháp tu Thai tạng trong mật tạng. Đem những sự phôi thai vô minh ấy về với phật đạo, mà phật đạo đã hằng có từ lâu, tức thai tạng.
Người hành giả tu Tịnh độ tông cũng vậy, họ niệm A Di Đà Phật hay một Đức Phật nào khác, cho nên khi tâm niệm đó, sự cảm thọ thấy A Di Đà Phật, sự chuyển động sinh diệt từ trạng thái này, qua trạng thái khác sanh diệt đều thấy biết là A Di Đà Phật, rồi cho đến tất cả sự vật đều biết rõ ràng A Di Đà Phật tức Cực lạc quốc hiện tiền. Đó là như vậy, pháp Phật là như vậy mà chúng ta cứ tự nghĩ, tự vọng tưởng phân biệt Nam tông, Bắc tông, Mật tông, Tịnh độ. Những chữ đó, những âm thanh đó đều là những khái niệm danh sắc. có người chấp vào cho Phật giáo Nguyên thuỷ là tốt, cho tất cả lác xấu không phải giáo pháp của đức Phật. Thậm chí có người quá khích si mê tông phái của mình, xô đẩy chối bỏ tất cả nói: không có Phật A Di Đà, không có kinh A Di Đà và một số kinh, phương pháp tu khác. Rồi từ những ý niệm đó phật tử nghe qua, mà những phật tử này chưa có những ý niệm học biết về phật giáo chạy theo thầy của mình, rồi đi tuyên truyền nói rằng: “ Việt nam tu sai hết”. Thật là tội lỗi.
Khi tôi viết lên những ý niệm này trong lòng luôn muốn thành tâm xin quí vị đừng tạo nên những khẩu nghiệp tội lỗi đó. Tất cả thế giới mọi người ai cũng biết tu niệm Nam mô A Di Đà Phật, trong đó có đủ tất cả mọi tầng lớp dân trí thức khác nhau, có cả lãnh tụ, quan chức, bác sĩ kỹ sư, Hoà thượng, Thượng toạ, Tăng ni. Có những vị trong đời hiện tại này, họ đã từ bỏ quan chức tiền tài danh vọng ẩn tu niệm Nam mô A Di Đà Phật, và chúng ta hãy nhìn lại thực tại của con người nơi thế giới này có biết bao nhiêu người đã được thọ hưởng từ Nam mô A Di Đà Phật, đã giúp cứu họ ra khỏi bùn nhơ tội lỗi, đoạ lạc. Rồi có biết bao nhiêu câu chuyên vãng sanh cực lạc Quốc hiển hiện đầy chứng cứ, chứng thực.
Ở đây tôi chỉ nói như vậy. Ở một khía cạnh Tịnh độ A Di Đà Phật. Còn tất cả tông phái khác cũng hiển hiện đầy sự lợi lạc đem đến sự an bình, an lạc, hạnh phúc cho con người. Một lần nữa mong rằng từ tâm, từ lực của tôi gửi vào những ý niệm này, cầu mong ai đó hãy tĩnh tâm tỉnh thức xem nhìn lại thực tại tu học của mình để cầu sự sám hối mà tu học. Vì tất cả những ý niệm của mình nói ra dù vô tình hay có ý, tâm của mình sẽ ghi tạc nơi đó. Khi tâm vọng khởi, thì tội chướng sanh thiện thì quả thiện, ác thì quả ác. Những lời nói ý niệm đó xét cho cũng đâu đem lại lợi ích hạnh phúc, an lạc cho mình sao phải phí công tổn sức thực hiện, thể hiện vì mình tu mình chứng.
Cầu từ lực Tam Bảo gia hộ cho những chúng sinh đó thoát đi sự ngã mạn, cố chấp, thoát đi lửa tham, sân, si.
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam mô A Di Đà Phật
Nam mô Thất Câu Chi Phật Mẫu Chuẩn Đề
Cư sĩ Thanh Hùng
Hiệu: Kim Cang Kiết Tường
COMMENTS