Nhân bài viết của đạo hữu Kimngan21 trích đăng về vấn đề vong linh nhập xác qui y. Tôi xin chia sẻ một vài khía cạnh về tâm thức, nghiệp thức của sự kiện này để hành giả chúng ta có cái nhìn khách quan trong tu học. Từ đó mà có một định hướng phát triển vững chắc kiên tâm hơn trong con đường tu học giải thoát của mình
Bồ tát sợ nhân chúng sinh sợ quả. Lời chỉ dạy này chúng ta sẽ luôn được các thầy chỉ dạy lại để răn dạy người đời phải biết suy nghĩ kỹ trước khi làm hay hành động một điều gì đó, kẻo sau này hối hận cũng không kịp. Và ngay cả tôi cũng vậy, Thầy luôn lấy câu nói này để khuyên răn tôi từ thân, khẩu, ý phải biết quán soi để tôi hạn chế, tiết chế thân khẩu ý của mình từ rất ít, rồi buông hẳn được những nhân bất thiện do vô minh mà tạo tác. Nói về vấn đề để cho vong linh nhập xác này kia. Vì tôi là người được thầy chỉ dạy rất nhiều trong tu học và cũng được chứng kiến rất nhiều pháp sự của thầy. Trong đó có thấy rất nhiều người khi đến thỉnh nguyện nhờ Thầy cúng đàn pháp cầu siêu cho gia tiên nhà họ cũng có một vài những ý nguyện là muốn triệu vong hồn người nhà lên để gặp mặt hỏi han xem tình hình sau khi chết họ thế nào, có ý nguyện gì để con cháu báo đáp. Thầy rất từ tốn hướng dẫn giải thích cho họ việc cho vong nhập xác là một điều rất là tổn hại sau này về tinh thần, thể xác và ngay cả nghiệp thức của người đó. Sau này những người này rất dễ bị tác động bởi những thế lực tâm linh, bị điều khiển dẫn dắt dẫn bởi những vong linh chiếm thần minh từ nhẹ tới nặng, những khí chất âm trược đó lâu ngày và thường xuyên làm cho tinh thần người sống bị suy nhược, tâm thần bất ổn có những lời nói, hành động không kiểm soát được. Từ một sự việc ham thích đó nó sẽ được cả một phong trào của vô minh ủng hộ, tung hô, khuyến khích.
Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả. Bồ tát là những bậc thấu suốt được thực tướng của hư vọng, thấy được cái nguồn gốc của sự đau khổ, ngài thấy nước mắt của chúng sinh đong đầy 4 biển không hết đều từ cái nhân bất thiện tạo tác mà thành. Nên Bồ tát sợ những nhân bất thiện gieo trồng. Vì cái nhân bất thiện được gieo thì sẽ ra quả bất thiện chúng sinh sẽ mãi luôn ngụp lặn trong bể khổ đó không có đường thoát. Còn chúng sinh vì vô minh nên tự cho mình là hay là giỏi thoải mái tạo tác nhân ác nhưng khi nhận quả thì hoảng hốt, sợ hãi đỗ lời cho đời, cho người ai giáng hoạ, ai hãm hại mình.
Và ở đây cái nhân bất thiện chính là để cho những vong linh đó nhập xác vào những con người khốn khổ đó, những cái nhân này gieo trồng thì rất nhanh nó sẽ được cả một tập khí, tập nghiệp, khí chất xấu nuôi dưỡng trưởng thành rất nhanh. Bây giờ là thời kỳ mạt pháp, ma quỉ lộng hành ẩn nấp khắp nơi . Nếu không trí hụê ngay cả những người tu cũng sở trở thành thân bằng quyên thuộc của ma vương, đi chiêu dụ, nuôi dưỡng, phát triển quân thần của ma vương. Vậy xã hội đầy rẫy những sự khổ đau, bệnh tật, chết chóc, sự hãm hại, thù địch lẫn nhau. Và những cái nhân xấu nó sẽ dẫn tới những con người bị nhập xác đó tinh thần, cơ thể bị suy nhược do khí chất xấu thâm nhập và được nuôi dưỡng lâu ngày dẫn tới thần kinh có vấn đề. Nên vấn đề cho nhập xác là một điều rất là nguy hiểm. Chúng ta tập tập phải có trí huệ hướng tâm thức, nghiệp lực, tu học, tư tưởng của bản thân mình cũng như mọi người ở những tầng lớp tư tưởng cõi giới cao đẹp hơn ngoài vòng sinh tử luân hồi. Phải biết huân tập gieo trồng những nghiệp thiện lành, tu hành tinh tấn, để những nhân đó phải triển thành những tập nghiệp tu hành theo con đường chánh đạo, trí huệ luôn được sáng suốt, phát triển ở đời này và cả những đời sau nếu tu chưa thành chính quả.
Chúng ta là những hành giả tu hành mà quán xét lại mình thấy tư tưởng còn ham thích những điều lạ nhập xác, bói toán, thì phải cần có những sự chấn chỉnh về tu học hơn nữa. Trong duy thức học có nói công đầu tiên cũng là “ Ý”, tội đầu tiên cũng là “ Ý”. Nếu ý tạo tác nhân lành tu học thì sẽ là công, nếu ý tạo tác làm điều bất thiện thì sẽ là tội, và nếu đi sâu tiếp vào nghiệp vi tế thọ, tưởng, hành, và những vi sắc cực vi chi vi rất nhỏ, thì sẽ thấy chúng ta đã có những nghiệp về nó do nghiệp dày hay mỏng mà thôi. Nghiệp dày sâu tức ta đã huân tập nó nhiều đời nhiều kiếp nên nảy sinh sự ham thích khi có nhân duyên tác động từ đó mà nghiệp lực đó lôi kéo ta tạo tác thành quả sớm, từ đó ta sẽ có những sự giao lưu tiếp xúc, tu học với những người có cùng cộng nghiệp với mình, có cùng tư tưởng với mình. Tức là nghiệp này sẽ đi theo ta cả vị lai. Vậy là ta đi theo con đường không phải là Phật đạo. Còn những ai nghiệp mỏng hoặc không có về những tầng lớp, tư tưởng đó là do những quả khác mạnh hơn. Tức là do người đó có nghiệp sâu dầy về tu học phật đạo, tu học giải thoát nên họ bứt phá dừng được, hoá giải được nghiệp kia để đi theo một hướng con đường khác. Đó chính là con đường phật đạo.
Tất mọi sự đều do nhân duyên, duyên nghiệp mà thành. Phải có cái nhìn thấu đáo về nhân quả, từ thô đến tế thì chúng ta sẽ thấy được chân tướng của sự sống của chính chúng ta cũng như người đời. Mọi sự đều được phơi bày hết, chỉ là do ta vô minh không thấy mà thôi.
Quy y phật, bất quy thánh thần ma quỉ. Đã quy theo phật rồi thì dùng trí tuệ của sự tu hành mà khởi sự hành đạo, trong đó ta có thể hồi hướng công đức tu học trì niệm để trợ duyên cho những vong linh cô hồn các đảng, những chúng sinh kém phước hơn con người chúng ta. Còn chịu sự chi phối của thánh thần, hay ma quỉ. Vậy có trái với lời Phát nguyện quy y chăng?
Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha. Bộ Lâm.
Kim Cang Đạo Nhất
https://tammat.net/default.aspx?g=posts&t=3273#post10633
COMMENTS