Hình ảnh thực hành phép quán bất tịnh
Tiếp quán 32 Thể Trược.
Hàng cây bên đường bắt đầu đổ những chiếc lá rơi, mùa thu đã đến, đã mấy độ thu sang bao lần là đổ, hàng cây trơ lá rồi đâm chồi. Có người bảo rằng lá rụng mất rồi, và cũng có người bảo rằng lá có mất không? Cứ nói, cứ trả lời rồi cứ hỏi nó vẫn loanh quanh… Hãy nhìn thấy những chiếc lá rơi, có những chiếc lá rơi khập khễnh trên gió như quyến luyến không muốn rời cành cây, rồi những chiếc lá chồng lên nhau cũng rời, có những chiếc lá xanh vì giông bão rơi rụng lã tã. Rơi với đủ tư thế, đủ vị trí. Có khi chiếc lá không còn nguyên vẹn, rồi trong gió, trong cành cây ấy không có giông bão mà những chiếc lá vẫn rơi. Trong không gian tĩnh mịch đó có ai nghe những chiếc lá đó nó đang nói gì? Tôi không muốn rơi, tôi muốn rơi cho xong một đời lá úa rách nát…rất nhiều tâm sự trong đó. Nỗi niềm tâm sự đó vẫn vang lên hoà trong gió thu, hoà trong ánh trăng sáng. Người, thu vạn vật kết cấu thành một mùa trung thu, cùng bức tranh trung thu đó đã đến với tôi bao lần. Hôm nay làng quê tôi cũng một lần nữa đón trung thu.
Một bầu trời trong xanh, chiều xuống, tối đến trăng bắt đầu lên dần. Trung thu đến ở làng quê xóm ấp tôi hay có tổ chức một lễ rước đèn, thi đèn, phát quà cho các em nhỏ không khí thật rộn rã. Có cả hàng ngàn người, trên quốc lộ rất nhiều xe qua lại, nên con đường bị tắc nghẽn. Khi đoàn xe đèn đi qua, tuần tự nhiều lồng đèn, nhiều con vật như hổ, cá, ngựa…năm nay là năm Ngọ, cho nên nhiều đoàn đã làm hình con ngựa để diễu hành. Hết đoàn này đến đoàn kia lần lượt đi qua như dòng nước chảy, trong dòng người đó bất chợt xuất hiện một chiếc xe 3 gác chở bò và ngựa thật, cũng bị kẹt đường và như thế nào đó chiếc xe ấy lại nhập vào dòng xe rước đèn kia. Chiếc xe ấy đến gần nơi tôi, bất chợt tôi nhìn thấy dòng nước mắt trên mắt của con ngựa đang bị người ta cột ghì cái mõm xuống gầm xe. Ngay nơi đây một cuộc đời, hay hình ảnh những con ngựa đèn giả đủ màu sắc lung linh được mọi người nâng niu đưa đi, cùng nhiều tiếng cười nói đượm đầy sự vui hớn hở. Thế gian lại tạo một hình ảnh nữa, một con ngựa thật, một con bò được cột ghì đầu mồm mũi của mình trên một chiếc xe. Cả ngàn người như vậy, nhưng cũng có mấy ai để ý đến những giọt nước mắt đúng là long lanh vì nó được những ánh sáng của đèn soi vào, những giọt nước mắt ấy cứ lung linh chảy mãi, những giọt nước mắt khi xưa, ngày ấy đã qua có phải là mùa thu không? Tôi không còn nhớ nữa. Ngày ấy tôi cũng nhìn thấy những giọt nước mắt rơi từ đôi mắt của một con trâu sắp sửa bị giết. Đôi mắt ấy nó cũng giống như đôi mắt của con ngựa hôm nay.
Ngay nơi đây sự tưởng của chúng sanh trong tâm tôi nổi dậy, những dòng tưởng ấy mang những ngôn từ : “ Em từ đâu tới?” Dòng tưởng ấy thật là một chúng sinh, vì sự tưởng của tâm ấy và tâm con ngựa, con bò không khác một ngôn từ tưởng lại vang lên: “ Em từ trong những chiếc là mùa thu rơi, tôi trong những chiếc lá rơi bồng bềnh lượn lờ, một sự bập bềnh không muốn xa lìa cành cây”, còn em, con bò?: “ Tôi là những chiếc lá rơi nhanh, muốn bỏ đi vứt đi một kiếp lá, không muốn vướng bận ở cành cây”. Đó là tâm sự. “Tâm” thì không có hình tướng gì cả, nhưng “sự” thì là những chiếc lá rơi của mùa thu. Con người, con vật cũng có những loại tâm sự như thế. Nếu không có tâm sự không có nước mắt rơi như thế, không có những tiếng la hoảng của những con heo, con bò khi bị thọc tiết, rồi những con vật khác. Mỗi con khi bị giết đều mang đi những tiếng kêu, những tiếng kêu ấy vang trên thế gian vạn pháp này. Có người họ nghe vui vì sắp sửa được một bữa ăn ngon, có người cũng không mấy thích gì thức ăn đó vì không hợp khẩu vị. Có người nghe tiếng kêu ấy buồn thảm, vì họ mang một sắc thái từ bi của phật trong tâm. Ngay đây chúng ta sẽ thấy tâm có những đường khác nhau, có thiên đường, có nhân sanh, có chúng sanh, có phật, bồ tát… Có những con đường như thế sẽ có những âm sắc nó được thể hiện khác nhau với một tâm hiểu bình thường đầy sự bình thản. Sẽ thấy âm thanh thọc tiết những con vật kia được “thế gian” thế vào những âm thanh khác nhay của từng cá nhân con người. Khi Đức Phật thành đạo ngài đã “thấy như thật là vậy”, Ngài đã đưa ra một chiếc xe, một cỗ xe, một bánh xe chuyển pháp luân Bát Chánh Đạo.
1. Chánh kiến
2. Chánh tư duy
3. Chánh ngữ
4. Chánh nghiệp
5. Chánh mạng
6. Chánh tinh tấn
7. Chánh niệm
8. Chánh định
Bánh xe này có 8, luôn chuyển động trên cái trục như lai trí, mục đích để từng lớp, từng lớp thế nhau bằng trí tuệ trong sáng, tỉnh thức, thấy thật rõ nhận chân được những âm thanh, ý niệm trên Tứ diệu đế. Trên cỗ xe ấy giúp cho ta thấy như thế nào là khổ, như thế nào là nguyên nhân đem đến hình thành sự khổ, như thế nào là con đường diệt khổ, như thế nào là thoát khỏi sự khổ ( niết bàn). Không có bánh xe chuyển luân này, chúng ta dễ lầm lẫn, lầm lẫn về sự sống của một người hành giả, lầm lẫn sự sống của một tu sĩ.
Ở đây muốn nói đến Chánh nghiệp, Chánh mạng. Là một tu sĩ, là một hành giả lấy sự sống của chúng sinh, lấy thịt máu, lấy âm thanh hoảng hốt để trưởng dưỡng mưu cầu sự sống nuôi thân, con đường thực hiện như vậy có phải là chánh nghiệp, chánh mạng không? lấy tiền của vật chất, tất cả đến thật nhiều để tô điểm sự sống sinh hoạt của một tu sĩ, của một hành giả. Con đường này có phải là chánh nghiệp, chánh mạng không? Chúng ta hãy cùng soi lại để thấy Bát chánh đạo của Đức Phật là như thế nào?
Ở chương mục quán 32 thể trược xin mượn vài ý niệm gởi vào để nâng lên sự thấy biết của một người hành giả khi thực hành quán về bản thân giả hợp của mình, của vạn vật. Lần lượt chúng ta sẽ tuệ tri qua chi tiết “ gân” rồi, hôm nay chúng ta sẽ tụê tri thấy “ xương” trong cơ thể.
9. Quán “xương”: Trong phép quán 32 thể trược này, quán bộ xương trắng có tầm quan trọng hơn . Khi đi vào thực hành quán bộ xương, người hành giả phải tìm hiểu biết, thấy rõ trên thực tế hoặc trên hình ảnh phẫu thuật.
Cách đây một thời gian khá lâu, khoảng năm bẩy mấy đầu năm 80, lúc đó tôi đang học thực tập Đông y tại Chùa Bồ Đề, rất may thời gian đó sự Thích Huệ Ngộ là một đệ tử lớn của Hòa thượng Thích Từ Huệ, thời gian đó sư Ngộ thật tâm tu học nghiên cứu rất sâu về kinh tạng Nguyên thuỷ, thời gian đó tôi được Hoà thượng Thích Từ Huệ trao cho Mật chú Chuẩn đề vừa trì niệm, vừa được Quí sư giảng dạy giúp cho rất nhiều tư liệu phương pháp thiền quán. Tu quán trong đó có 32 phép quán trược của cơ thể. Ngay thời gian đó tôi rất có cơ duyên lành là tại nơi địa phương đó có một nghĩa địa thật lớn cha, cậu tôi cũng đã được an táng nơi nghĩa trang đó. Cơ duyên lành đến là nhà nước giải toả di dời nghĩa trang đi nơi khác. Họ kêu gọi gia đình, thân nhân lấy cốt cải táng nơi khác. Nhân dịp tu lý thuyết về quán sát bộ xương trắng trên cơ thể mình, cơ thể người khác, tôi liền đề nghị gia đình là để tôi lấy cốt cha, cậu, cùng nhà những người thân. Tôi lấy cốt cha, cậu tôi với một tấm lòng đầy hoan hỷ tìm tòi thực chứng ngay hiện trạng. Trong phép tu quán này “ bộ xương trắng” nó cũng đưa người hành giả thực chứng từ sơ thiền đến tứ thiền. Nếu có đầy đủ cả năm thiền chi; tầm, tứ, hỉ, lạc, nhất tâm.
Trong thời gian giáo pháp của Đức Phật để lại trải qua bao ngàn năm có rất nhiều hành giả đặt nghi vấn về vấn đề quán bộ xương trắng, tại sao có thể sanh những thiền chi hỉ và lạc? Đây là một vấn đề thực chứng đến với bản thân tôi là khi con người tôi đặt tất cả nỗ lực, ngay nơi bộ xương của cha, cậu tôi. Tất đi vào tầm, tứ, nhất tâm. Qua quá trình thời gian quán như vậy, sự phân biệt trong tĩnh lặng đặt trên nền tảng giáo lý của Đức Phật, làm cho tôi có một quyết tâm cao độ, lòng tin vững chắc nơi pháp giải thoát của Phật đà, thì liền ngay nơi đó sanh 2 thiền chi; hỉ và lạc. Lòng hoan hỉ, nỗi vui lan rộng trong tôi. Cũng trong ý niệm đó Thiền sư Pa-auk cũng đã viết trong quyển Biết và Thấy trang 98 nói: “ Theo cách tương tự, hành giả cũng có thể đắc sơ thiền trên tính bất tịnh của một trong 32 thể phần khác”.
Một câu hỏi có thể đặt ra là: “ Làm thế nào hỉ và lạc lại có thể khởi lên với đối tượng là tính chất bất tịnh của bộ xương được?”. Câu trả lời ở đây là: “ Mặc dù hành giả đang tập trung vào tính chất bất tịnh của bộ xương và cảm giác nó như bất tịnh thực sự vẫn có hỉ khởi lên. Vì hành giả đã thọ trì pháp môn Thiền này, và vì hành giả đã hiểu được lợi ích của nó. Nghĩa là hành giả hiểu rằng cuối cùng nó sẽ giúp hành giả đạt đến sự giải thoát khỏi, già, đau, và chết. Hỉ và lạc cũng có thể khởi lên vì hành giả đã loại trừ các cấu uế của 5 triền cái làm cho tâm nóng nảy và mệt mỏi”.
Đây cũng là một kinh nghiệm thực chứng tu học của bản thân Thiền sư Pa – auk người Miến Điện. Thực tế khi chúng ta tu ở pháp môn nào cũng phải đòi hỏi sự thực hành miên mật để có một sự thật thực tại dẫn đến thực chứng ở thời gian đó. Tôi không phải chỉ xem ở bộ xương của cha, cậu tôi, mà hàng ngaỳ thật nhiều ngày mưa nắng khác nhau tôi đều đi đến nghĩa địa đó để xem rất nhiều bộ xương, thi thể chưa rã ra sình chướng lên, một lớp ngoài cơ thể thịt da bắt đầu bị huỷ hoại phủ lên một lớp bợn đen, qua lớp ấy đến một lớp thịt còn đỏ. Thịt ấy còn bám rất chặt trên bộ xương người lấy cốt phải bóc, bẻ gãy từng khuỷu tay chân, bẻ lọi ra từng khớp thịt gân còn chằng chịt, người thợ ấy phải dùng tay tuốt ra từng sớ thịt, bóc ra từng sợi gân. Mùi hôi thối của thịt xương con người thật kinh. Chắc có lẽ bao năm trong cuộc sống con người đã ăn, đã tạo ung đắp bằng máu thịt, xương của chúng sinh. Cho nên hôm nay sự thôi rữa ấy thật khổ kể nổi. Mùi hôi thối đó nó được xông vào trong cơ thể tôi, không phải bằng mũi không, mà nó được xông vào trong các khiếu, các lỗ chân lông, xông thật sâu vào trong não tôi. Những buổi trưa hè tôi phải bịt thật kín mũi, chạy xông vào để nhìn rồi đứng nơi ấy.
Một buổi trưa nọ tôi đến nghĩa trang nhìn xa xa cũng người thợ bốc cốt khoảng trên 50 tuổi. Thật là ấn tượng, hôm ấy ông ta bịt một chiếc khăn màu đó trên đầu, nhìn xa xa rất kinh vì xung quanh ông rất nhiều huyệt mộ được bốc lên, những hơi xác người, đất, nắng, mưa nước được ủ lại khi nắng gắt lên, bốc lên thành những khí chất mờ mờ ảo ảo trong nghĩa trang cộng với cái đầu bịt khăn đỏ của ông ta, khi đến gần thêm chút nữa, hai tay ông ta cũng đầy máu đỏ của thịt xương chưa mục rữa. Thật là một cảnh tượng của cõi ngạ quỉ súc sinh. Nhà ông này cùng chung xóm với tôi, đây cũng là một cơ duyên trong suốt thơi gian giải toả nghĩa địa tôi quyết tâm phải thực mục sở thị. Tôi cố gắng đến xem thật nhiều thi thể, những hình ảnh, những khung cảnh, những mùi vị, lòng người nơi đây nó đã giúp ích tôi rất nhiều trong việc tu tập quán sát.
Có lúc những con mưa đổ xuống, những người thợ cùng gia đình vì công việc bốc cốt dở dang họ đều làm việc trong mưa, một trong những cơn mưa đó tôi đã đến dầm mưa xem trong cảnh tượng mưa rơi. Có những xác người còn nguyên được người thợ bốc cốt tuốt xé cơ thể, nước mưa đong đầy hố huyệt làm cho mỡ và máu của xác đó nổi lên hồng hồng cũng những bợn mỡ loang trong hố nước, bất chợt người thợ lấy cốt ấy mò phía dưới xác chết, lấy lên 2 chai rượu tây, rượu này được chôn theo xác chết. Những người thợ ấy thấy vậy đôi mắt, mặt sáng rỡ lên, họ vui mừng rửa tay, dùng nước mưa ấy dang tay ra để rửa, rồi mở nút chai. Một trong những người thợ bốc cốt ấy nói: “ May quá mưa lạnh trưa quá, đói bụng lại gặp rượu, mình hãy uống , ăn chút gì đỡ dạ rồi làm tiếp”. Nói như vậy ông ta liền mở nút chai rượu người nhà, cùng những người thợ ấy núp vào cây dù ô che mưa. Mở những con gà vịt quay đem cúng vừa xong cùng nhau ăn với xôi, bánh mì. Khi đó tôi thấy cảnh tượng đó thầm nói: “ Có thật đau là những con người không? Họ từ đâu đến?” Mặc dầu nói như vậy nhưng tâm tôi cũng có những ý nghĩ : “ nghĩ rằng nước hồng hồng cùng những nước mỡ thịt xương của xác chết, nếu ngay nơi đó múc những cục thịt xương và nước ấy đem đi nơi khác nấu sôi lên, nêm nếm chút bột ngọt, đường, muối, hành tỏi tiêu gia vị thì chúng cũng trở thành một nồi canh ngon. Những ý niệm hình ảnh đó nó đi theo theo khi thấy ai đo ăn mắm lại nhớ đến xác người chưa mục rữa hết bên ngoài đen, bên trong đỏ, thấy ăn canh thịt bắp cải ( vì khi tôi thấy mọi người ăn trong cơn mưa đó, có một tô canh bắp cải nấu với thịt) là những hình ảnh đó trở về. Đó là những bức tranh tưởng trong tôi.
Khi Đức Phật chỉ đệ tử của mình các ông có nhìn thấy bức tranh du hành đó không? Bức tranh của Bà La Môn vẽ diễn tả về cảnh địa ngục. Đệ tử của ngài bảo rằng có. Đức Phật lại nói tiếp: “ cái tướng của chúng sinh còn hơn bức tranh đó rất nhiều.”. Trong bài này tôi đã vẽ bức tranh ấy cuối cùng tranh chỉ là tranh, tưởng chỉ là – sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Năm thủ uẩn này là sắc thân là tâm của chúng ta, nó luôn đem đến những điều tốt, xấu. Năm cái đó là con đường khổ, hãy tuệ tri cái khổ đó bằng cách mỗi lúc đều phải tỉnh thức. Ở đây phải tỉnh thức để nhớ nghĩ niệm Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha. Bộ Lâm. Đây là tâm của Đức Phật Mẫu Chuẩn Đề phải hằng ghi để tâm ấy vi diệu trở thành một vị Phật ngay nơi ý niệm. Có như vậy chúng ta mới thoát khỏi khổ đau do 5 thủ uẩn
Chúng ta hành, chúng ta tu các phương pháp, tất cả các sở hành ý niệm đó hãy coi chừng khéo thiện xảo, nếu không chúng ta sẽ bị sự đạo diễn của 5 thủ uẩn trên. Ngay nơi đây chúng ta cũng hành, cũng quán cũng tu học như trên, nhưng hãy mặc một thứ áo giáp, áo pháp của Phật là đó Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha. Bộ Lâm.
Khi hành, khi tu hãy nhẹ nhàng để Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha. Bộ Lâm, thực sự là Đức Phật Mẫu đang hiện nơi sát na ấy để dìu dắt chúng ta.
Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha. Bộ Lâm.
Cư Sĩ Thanh Hùng
Pháp Hiệu Chánh Trí
COMMENTS
. “ Ở đây phải tỉnh thức để nhớ nghĩ niệm Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha. Bộ Lâm. Đây là tâm của Đức Phật Mẫu Chuẩn Đề phải hằng ghi để tâm ấy vi diệu trở thành một vị Phật ngay nơi ý niệm. Có như vậy chúng ta mới thoát khỏi khổ đau do 5 thủ uẩn. “
“ Chúng ta hành, chúng ta tu các phương pháp, tất cả các sở hành ý niệm đó hãy coi chừng khéo thiện xảo, nếu không chúng ta sẽ bị sự đạo diễn của 5 thủ uẩn trên. Ngay nơi đây chúng ta cũng hành, cũng quán cũng tu học như trên, nhưng hãy mặc một thứ áo giáp, áo pháp của Phật là đó Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha. Bộ Lâm.
Khi hành, khi tu hãy nhẹ nhàng để Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha. Bộ Lâm, thực sự là Đức Phật Mẫu đang hiện nơi sát na ấy để dìu dắt chúng ta. “
– Lời Thầy Kim Cang Kiết Tường chỉ dạy.
Thầy là một người quá đỗi dũng cảm, khi đọc phần Thầy vào nghĩa trang nhiều lần để thực chứng những cảnh tượng người ta tuốt thịt lọc xương thây người chết khi trời nắng nóng khi cơn mưa tầm tã đứng dưới mưa xem để nghiên cứu thiền quán vì muốn học hỏi thực nghiệm trong pháp tu, con tự hỏi Thầy không vào địa ngục thì ai vào địa ngục?. Không có Thầy thì ai sẽ là người mô tả quá đỗi chi tiết từng cái tuốt thịt người, bóc gân, lớp mỡ máu hồng hồng váng trên mặt nước mưa bùn đất qua cái tưởng thật sự là hãi hùng. Nhưng ở Thầy vẫn là sự hồn nhiên, tỉnh giác đầy khí chất giác ngộ.
Từ đó con hiểu được khi Thầy đã quán xét nơi tâm thức qua ngũ uẩn cũng như Thầy đã quán xét rất nhiều những con người chúng sinh Thầy đã gặp họ, thấy được sự hành sử của họ khi bị chi phối bởi ngũ uẩn, vô minh nên Thầy luôn dạy chúng con nhất niệm Phật niệm Mật Chú Chuẩn Đề trong từng giác niệm. Lúc trước con đã nói theo lời Thầy dạy bằng những lời nói xuông, chỉ đến khi suy ngẫm về lời Thầy dạy và tự thấy con đã bị ngũ ấm dẫn dắt bằng những vọng tưởng trong tâm thức dẫn đến hành động sau đó mới thấy đó là cái bẫy của tâm thức, nhưng nếu như con tỉnh giác dũng mãnh thì tâm nào kéo đi nổi? Sau đó qua bài pháp gần đây con mới hiểu được vì sao Thầy nói “ các em không có Phật. Vì một ngày sống với cái vô minh, nghiệp thức chi phối, tất cả đều chết chìm trong tập khí ngũ ấm điều phối. Nếu trong tâm có Phật thì sẽ luôn có chánh niệm, tỉnh giác không phiền não được. Nếu trong tâm không có Phật mỗi niệm, không niệm Mật Chú mỗi niệm thì lấy gì che chở cho những cái nghiệp lực đang đầy ắp đang ập đến kia. Chỉ cần niệm Mật Chú Chuẩn Đề thôi lập tức mọi sự chở ngại đều được năng lực của Mật pháp chuyên chở điều phục.
Nam Mô Bổn Sư Kim Cang Kiết Tường
Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha. Bộ Lâm.
Câu nói của Thầy: “ Làm thế nào hỉ và lạc lại có thể khởi lên với đối tượng là tính chất bất tịnh của bộ xương được?” .
Ở đây mặc dù tính chất không phải là bộ xương trắng, nhưng tôi xin chia sẻ sự trải nghiệm cảm giác quán 32 thể trược này trên nền tảng thực hiện của mật chú Chuẩn đề năng lực Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha. Bộ Lâm – Om Ma Ni Pad Me Hum. khi sự chuyên chở của âm lực mật chú Chuẩn đề , hởi thở thiền nền tảng căn bản này đưa tôi đi vào sự quán tưởng từng sợi tóc, từng mảng da trên đầu kế đến là các bộ phận trong nội tạng, rồi tiếp đến gân, thịt, máu mủ, xương…sự quán tưởng này như chiếc đèn rọi rõ từng bộ phận. Ngay chỗ đó tâm người hành giả thấy rõ sự giả hợp của thân tứ đại này…nó chỉ là một tổ hợp của nhiều thứ như lông, tóc, mắt, mũi, lưỡi, tim, gan, phổi, thận….. Ngay chỗ đó cái cảm giác chán ghét cái thân, và thấy rằng thật ngộ …cái ta kia nó đã dụ dỗ mình biết bao nhiêu điều để xây dựng một cái tổ hợp giả này…biết bao nhiêu oan trái, nghiệp chướng cũng từ nó mà ra. Ấy thế mà ta ngu si chạy theo nó, phục tùng nó một cách vô điều kiện. Một kẻ nô lệ ngu si bị ác quỉ điều hành.
Từ những cái thấy biết nguyên sơ này nhưng nó là những chất liệu, nguyên liệu giúp cho người hành giả dần tịnh hóa được những ý niệm sanh khởi của tham, sân, si, mạn, nghi, tà, kiến. Giữ chánh niệm đưa đến sự tỉnh giác của thân, khẩu, ý….thì hỉ lạc trong đời sống tâm thức của người hành giả là hành trạng sống, thức ăn nuôi dưỡng nguồn tinh hương bản thể thanh tịnh phát khởi.
Đó là con đường thực hành trở về bản tâm mà các pháp đều là trợ duyên trực chỉ cho người hành giả tự nhận lấy mà quay về. Người Thầy tâm linh, vị Bổn tôn ấy vẫn luôn thị hiện bên người hành giả, lúc cần là bên ngoài, lúc cần ở bên trong. Các Ngài luôn sẵn ở ngay đó để chỉ dẫn cho hành giả. Mỗi hành giả chúng ta hãy nắm sợi dây dẫn đường trong hầm tối ấy để đi nó là Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha. Bộ Lâm – Om Ma Ni pad Me Hum. Hãy nắm lấy mà đi rồi sẽ đến.