Web Analytics Made Easy - StatCounter
HomeHỏi đáp Tu học

Phước báu, tội chướng từ đâu sinh

Có những người thọ nhận Mật chú tu học, bản thân họ cũng chưa trì niệm mấy hàng ngày đầu tắt mặt tối tụng trì niệm ê a vài chục lần mà muốn ngay là mình phải được bình an, an lạc, còn tham hơn nữa là muốn ngay gia đình anh, em, chồng vợ, bố mẹ phải được bình an, an lạc. Đó là một điều rất vô minh vọng tưởng. Vì tất cả những thành viên đó, ngay nơi cá nhân của từng người cũng đều có chủng nghiệp riêng của từng cá nhân, từng con người. Thì ngay nơi cá nhân của từng người cũng đều có lúc cũng vui, có lúc cũng buồn được mất thành bại từng lúc khác nhau tuỳ theo phước báu nhiều ít của từng cá nhân khác nhau, Nghiệp quả của từng người gây tạo khác nhau. Người ác thì phải ác báo, khổ đau bệnh tật nghèo đói. Tại vì họ đã từng chiêu cảm nghiệp ác. Người hiền lành hay bố thí thì phải đươc an lành sung sướng đời sống hạnh phúc hơn. Như vậy mới đúng là nhân quả chứ.

Nếu chúng ta muốn được sự an lành thì hãy cố gắng tu trì học hỏi, phải biết nghĩa lý của kinh, phải biết lý trong kinh Đức Phật đang nói, đang dạy gì. Phải học Hiển giáo cho rành rõ những điều nhân quả, phải biết thân tướng tâm hạnh là duyên hợp giả có. Biết như vậy để trừ đi sự ngã mạn của mình, phải thông hiểu Hiển giáo để đi kèm với Mật giáo. Hiển Mật viên thông con đường đó mới chính thực là con đường tu. Thường thường người hành giả thiếu hiểu biết Hiển giáo, thâm nhập vào Mật tạng đều thất bại cả. Vì toàn đặt nền tảng sự tu học của mình trên ngã chấp, pháp chấp thâm, sân, si. Khi thọ nhận Mật pháp muốn ngay mình phải được cái này, cái kia, mê mờ, mơ hồ ôm ấp lấy những cái bóng năng lực, do sự tưởng tượng của mình cứ nghe trong tâm mình nói cái này, cái kia có lúc là chư Thiên, chư vị, có lúc là Bồ tát. Đó là một điều đáng sợ của người tu Mật chú, vì sao? Vì ngay nơi tâm ấy chưa được gội rửa trong sạch. Ngay nơi đó người hành giả sự biến hiện trong tâm đó không rõ, nó chỉ là cái bóng rớt lại trong tâm mình thôi, chứ chấp cái bóng đó rồi phân biệt suy luận cái này đúng cái này sai. Người tu như vậy là tu theo sự vọng tưởng si mê chấp vào pháp, cứ mãi chạy theo sự tham cầu để đáp ứng sự an lòng nơi tâm của mình. Tham chấp pháp cũng là tham. Vì tất cả các pháp bản chất nó là vô thường nó luôn thay đổi cái mới, mà ta cứ ngậm ngùi muốn nó dừng lại chấp những cái thọ cảm, sắc tướng, có hình không hình…đã qua. Tâm điên đảo vọng tưởng như vậy, thì phải chuốc lấy sự sân hân. Vì nó đâu có dừng trụ lại mà bảo rằng được cái này bỏ cái kia. Được thì vui, không được thì sân hận. Khi tâm chúng ta như vậy, thọ nhận Mật chú cứ cầu sự an lành, thì làm sao được. Chúng ta phải tĩnh tâm niệm tu. Trong nhiều kiếp chúng ta đã gây tạo, hay trong thời gian trước đó, trong kiếp này gây tạo thì phải trả báo thôi. Nhưng nếu chúng ta bình tĩnh, tỉnh giác sự trả báo đó nó sẽ nhẹ đi, thay vì trong việc đó ta phải bị tai nạn xe vô mất mạng, nhưng vì chuyên tâm trì niệm thì quả kia cũng đến nhưng chỉ bị gãy chân hay xây sát một chút. Nhân quả không bao giờ mất được chúng ta phải nhìn thấy vậy, thì mới tu được. Nếu không chúng ta trì niệm ít, ít tu học không tìm hiểu rõ Hiển giáo, không rành rõ lý nhân quả cứ đinh ninh đổ thừa cho Mật chú Đà la ni, thì chúng ta tự gây tội.

Có người trì niệm, khi gia đình có bệnh tật đến, hay sự cố gì đó cứ đổ lỗi cho Mật chú gây ra, phát ra những cuồng ngôn nóng giận bảo đó là ta ma ngoại đạo. Thật là đáng sợ cho những người đó. Một câu nói vô minh đó, dù cho mình thọ nhân được một pháp môn vi diệu nào đi nữa, thì cũng chưa gội rửa được tội lỗi ấy. Cho nên người hành giả trước khi vào tu nên tỉnh giác chọn lựa suy đi xét lại cho thật rõ ràng, rồi quyết định tu học. Dù cho có cam go, khổ não đến chừng nào, thì cũng phải quyết tâm đừng chạy theo đám đông dư luận, mê mờ tin tưởng rồi chê trách nóng giận chà đạp nó. Vì khi mình phát ra lời nói là tâm của mình đang xáo động phân biệt điên đảo, trong đó khi lời nói phát ra là đã tạo nghiệp, lời nói phát ra xong thì tay chân cảm nhiễm dơ tay chân chà đạp, thì ngay nơi đó thân nghiệp đã gây tội. Tội chướng ấy được thể hiện ra ở ý, thân, khẩu hình thành tội chướng. Tội chướng đó nó mang theo hình ảnh, thọ cảm, nóng giận si mê lắng đọng trong tâm ta. Đến một lúc nào đó nghiệp lực chín mùi ta liền bị đọa lạc ngay. Vì tất cả những cảm nghĩ, thọ cảm hình ảnh đó không bao giờ mất trong tâm ta. Chỉ khi chúng ta thấy tánh, thì tội chướng kia mới được thanh tịnh. Khi chúng ta tu hãy bình tâm, tỉnh giác, hãy lo ngay thân tâm mình, tu ngay tâm mình để tự về với cái thanh tịnh hằng có của mình


ÚM CHIẾT LỆ CHỦ LỆ CHUẨN ĐỀ TA BÀ HA. BỘ LÂM

Cư Sĩ Thanh Hùng
Pháp Hiệu Chánh Trí

COMMENTS

WORDPRESS: 0