Web Analytics Made Easy - StatCounter
HomeTiêu Điểm

THỰC TẠI Ở ĐÂU

THỰC TẠI Ở ĐÂU?

 

Như vậy chúng ta lần lượt quan sát trở về với thực tại của mình. Ở đây chúng ta thấy phương pháp hình thức tu để trở về với Thực Tại của mình, trở về với cái đã hằng có từ vô thuỷ, vô chung đến nay.

Sự hiểu biết trực nhận này được Đức Phật nói ở bộ kinh Kim Cang. Bộ kinh này Đức Phật hoàn toàn không có dùng một pháp tu nào cả mà Ngài chỉ nói lên Thực Tại mà thôi. Nhưng Thực Tại hiện giờ của mình đây toàn là sự vọng tưởng cả. Đúng thế! chỉ cần chúng ta nhìn ngay Thực Tại của mình trong giờ phút, giây phút đó biết như vậy.

Cũng như trong kinh Kim Cang phẩm đầu Đức Phật sau khi đi khất thực về, ngài rửa chân rồi trải toạ xụ ra ngồi thiền. Ngay đó chúng ta sẽ thấy một sự sống Thực Tại của Đức Phật, sự sống rất bình thường trên cái biết hằng có. Ngài ứng dụng khoan thai, an lạc như vậy. Từ ngay nơi đây cái nhân duyên Thực Tại đó mà bộ kinh Kim Cang ra đời. Ngài thể hiện cái tâm của mình, chỉ có chúng ta biết những cái đó nó hằng có, hằng sống trong từng sát na của mỗi người. Không cần chúng ta phải bày vẽ ra, tạo tác ra sự thiện ác, rồi đặt để khuôn mẫu biến sự hằng có vô ngại đó để trở thành hữu ngã tự ràng buộc, bó buộc mình.

Tại sao chúng ta đang thực hiện pháp tu, có pháp rõ ràng mà hôm nay lại nói đừng tạo tác phương pháp khuôn mẫu nào? Nói vậy có mâu thuẫn không? Đây mới là một vấn đề chúng ta phải hiểu, phải tư duy để tu cho tốt ( văn, tư, tu).

Chúng ta từ vô thuỷ vô chung đến nay huân tập vô lượng vô biên những điều thiện ác vô ký, tham sân si. Nó đã trở thành nghiệp lực rồi. Nghiệp chúng ta tạm gọi hình dung nó như một vấn đề chi tiết nội dung nào đó mà chúng ta hết tâm thực hiện, ôm ấp nó, thọ cảm nó. Để những cái đó nó hiển hiện thành một cái nghề, cái ý niệm thực hiện trên bề mặt sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Trải qua nhiều lần, nhiều kiếp ma sát chồng chất lên chuyển biến từ dạng này qua dạng khác, hay tạm gọi là sinh diệt. Nó chuyển động chuyển biến như vậy trở thành một năng lực tóm tắt gọi nó là nghiệp lực. Chúng ta đã tạo tác vô lượng vô số như vậy rồi, mà hôm nay tự nhiên chúng ta thực hiện lý sự của kinh Kim Cang thì có mấy ai thực hiện được. Cho nên từ đó chúng ta phải thể hiện, thực hiện theo những pháp bảo của chư Phật, chư Bồ tát tuỳ theo tâm thức tư tưởng, trí huệ của từng cá nhân mà thực hiện. Học Phật pháp thì chúng ta đừng bao giờ chấp nê vào một vấn đề nào cả. Mà hãy bình thản để nhìn thấy vấn đề bằng một sự tỉnh thức. Nói là kinh Kim cang cao siêu cũng đúng. Đúng với những trình độ tư tưởng cá nhân chưa đủ duyên lành phước báu để đón nhận. Nhưng đối với người thực tâm, trí huệ thì là sự sống của họ. Dù cho ở tầng lớp tư tưởng trí huệ như thế nào thì kinh Kim Cang cũng đem lợi ích đến cho từng cá nhân họ. Cũng như nước với mặt trời bao giờ cũng đem lại sự lợi lạc cho chúng sinh. Vì tất cả chúng sinh ai cũng đều có Phật tánh cả. Trong từng sát na, từng hành động, từng cử chỉ ý niệm đều thể hiện lên cái phật tánh (kinh Kim cang). Tại chúng sinh không chịu nhìn thấy nó, cứ chạy cuốn theo vật. Từ những ý niệm này, chúng ta đã lần lượt và tiếp tục lần lượt thể hiện bằng những phút thực tại tạm gọi là pháp này, pháp nọ.

Cái Thực Tại hiện có trong thân chúng ta có rất nhiều, nhưng ở đây chúng ta tạm quan sát hơi thở ra vào của bản thân mình để cho sự quan sát này được xuyên suốt rõ ràng, thì người hành giả chúng ta cũng phải biết ngồi một số tư thế như kiết già, bán già hay một trong những tư thế mà lưng và cổ chúng ta thẳng, người hành giả ngồi với tư thế như vậy, hít vào thở ra nhẹ nhàng khoan thai. Hơi thở hít vào biết nó vào, hơi thở ra biết nó ra, dài ngắn chúng ta  đều quan sát biết rõ. Trong quá trình thực hiện hơi thở ra vào, chúng ta nên tiếp tục những ý niệm tiếp theo như: Khi hơi thở ra vào, ta nên biết nó ra vào nơi cánh mũi của chúng ta. Chỉ cần biết nó ra vào nơi đó thôi, không cần phải theo dõi nó đi từ đâu đến đâu. Khi hơi thở ra vào, chúng ta cũng có thể biết nó ra vào nơi điểm dưới rốn của chúng ta. Biết nó với tư thế phình xẹp của bụng. Ở hai điểm đó người hành giả có thể chọn một điểm tuỳ theo sự thích hợp của mình. Trong lúc hít thở, hơi thở ra vào, người hành giả phải tâm niệm dùng ý niệm của mình mà tưởng: Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha. Bộ Lâm. Chúng ta không cần phải qui định trong một hơi thở hay nửa hơi mà niệm Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha. Bộ Lâm cho khế hợp với hơi thở đó. Không cần thiết phải đặt định hơi thở và ý niệm thần chú vào một qui củ. Hãy để hơi thở ra vào tự nhiên và ý niệm Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha. Bộ Lâm cũng tự nhiên thể hiện lên. Tay chúng ta có thể kết ấn Tam muội, hoặc ấn Kim cang hoặc ấn Chuẩn Đề tổng nhiếp. Người hành giả mới vào tu Thiền quán Mật chú Chuẩn đề như trên khoảng một thời gian nhất định, ít nhất là 10.000 biến.

Mới ban đầu, ngày đầu chúng ta nên thực hiện khoảng 108 lần , hay ít hơn tuỳ theo tâm tư nguyện vọng của mình. Niệm càng ngày càng tăng số biến ( lần) đó lên cho đến mỗi ngày chúng ta niệm trung bình là 1080 lần. Tức khoảng gần 1 tiếng 30phút. Nên nhớ hơi thở chúng ta từ từ nhẹ nhàng khoan thai. Có người trong khoảng thời gian này họ đắc sơ Thiền.

Thiền chi của sơ thiền là Tầm, Tứ, Nhất tâm, Hỷ lạc. Năm chi người hành giả chuyên tâm niệm hơi thở cùng thần chú một thời gian tâm an do sự nhất tâm niệm như thế. Vì khi người hành giả vào sự tu tập này, đã thể hiện nên tầm và tứ mà trong kinh Đức Phật đã chỉ dạy. Tầm là kéo sự vật ý niệm, Tứ là làm dừng lại. Hai chi này là làm dừng lại những ý niệm tâm ảnh xảy ra trong tâm thức của người hành giả đó bằng sự niệm hơi thở và Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha. Bộ Lâm. Vì được sự ngưng dừng vọng niệm đó mà tâm an. Ngay nơi đó liền sanh sự vui, nhẹ nhàng nơi tâm thân. Đó là Hỷ Lạc. Đã hội đủ năm Thiền chi trên, thì người hành giả đi vào sơ thiền.

Ở đây mục đích không phải là muốn đưa quí vị vào quả vị Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Mà ở đây thể hiện lên để cho chúng ta biết rằng mình đang đi qua đó, và cái đó cũng là những loài hoa trong những loài hoa đủ sắc màu, đủ hương vị trên đường đi. Biết nó như vậy để ngay đó trong tâm người hành giả biết Thực Tại của mình, mà Thực Tại thì không thể chấp và bỏ cái hiện có đó, mà chỉ cần biết thôi. Mặc dù cái biết ở chặng này còn thô, nhưng cũng vẫn là cái biết. Chúng ta tu thực hành những pháp này cùng những pháp kia thực tế theo kinh Kim cang. Chúng ta còn nhiều vấn đề để biết, để tạo một quá trình tu tập và để mọi tầng lớp tư tưởng chúng ta thâm nhập dần. Trên bước đường này tạm gọi là thâm nhập chứ thật tế nó đã có sẵn nơi mình. Muốn xác thực nó chúng ta hãy cùng đi, cùng nghe thấy rõ ràng của kinh Kim cang.

Văn kinh: Tôi nghe như vầy: Một hôm Đức Phật ở nước xá vệ ( Sràvasti) tại rừng Kỳ Đà  trong vườn Cấp Cô Độc cùng với chúng đại tỳ kheo là 1250 vị. Khi ấy gần đến giờ thọ trai, Đức Thế Tôn đắp y mang bát vào đại thành Xá Vệ khất thực. Trong thành ấy, Ngài theo thứ lớp khất thực xong trở về nơi chúng ở thọ trai rồi cất y bát, rửa chân, trải toà ngồi.

Ở pháp vô niệm yếu chỉ này, chúng tôi sẽ thể hiện tinh thần Kim cang, Mật chú Chuẩn Đề để tạo thành cuộc sống an lạc, nhẹ nhàng. Vì tinh thần Kim Cang cũng chỉ nói đến sự sống Thực Tại ;Vừa sống, vừa vui, hát ca lên ca khúc Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha. Bộ Lâm

 

Cư sĩ Thanh Hùng

Pháp hiệu: Thích Chánh Trí

Mật tông hiệu: Kim Cang Kiết Tường

 

COMMENTS

WORDPRESS: 0