Web Analytics Made Easy - StatCounter
HomeTiêu Điểm

QUÁN ÂM – SỰ GỌI VỀ CỦA HƯ KHÔNG

QUÁN ÂM – SỰ GỌI VỀ CỦA HƯ KHÔNG

 

Trong quá trình tu học người hành giả nên quán soi, hiểu rõ vọng nghiệp của chính mình, hãy quay trở lại với bản thân của mình để nhìn thấy những điều, những chuyện, những nội dung thiện ác lăng xăng trong tâm ta. Hàng ngày ta sống suy tư phân biệt để biết một vấn đề nào đó nó đều nằm trên nền tảng vọng nghiệp vọng thức cả – Vọng là chạy theo, hướng theo dính mắc chạy theo cái nghiệp, mà nghiệp lực thì có từ bao đời quá khứ hiện tại vùng vị lai cũng đều cấu tạo bởi vọng nghiệp. Trong nhà Phật có một thức thứ 8 gọi là Tàng thức, thức này nó chuyên huân tập những chuyện đã qua, nó cất dấu một nơi nào trong tâm chúng ta, không ai thấy cả chỉ có Đức Phật, Bồ Tát mới nhìn rõ cái chân tướng của nó. Đức Phật bảo rằng: Tất cả các pháp đều do sự duyên hợp huyễn có một cá nhân, một vật thể, một niệm, một pháp đều do nhiều thứ kết hợp lại mà thành nó không có thực thể của nó. Cho nên Đức Phật bảo rằng các pháp không tướng – Không ở đây tức là không thực thể của nó. Nếu nó có thực thể bền vững thì tự nó có, không cần phải kết hợp nhiều duyên, nhiều vật thể, nhiều ý niệm khác mà hình thành.

 

Ở đây Đức Phật thấy như vậy, bảo rằng các pháp duyên hợp như thế để nhằm giúp chúng ta quay trở về với cái chân thật của mình đừng có phóng theo chạy theo các duyên mà quên mình. Nỗi buồn nó đến quí bạn nên trở về với sự chân thật của chính bản tâm của mình, thì ngay đó quí bạn sẽ thấy từng chi tiết, từng ý niệm khác nhau, nó duyên hợp thành nỗi buồn đó. Mà ngay đó từng duyên, từng ý niệm nhỏ nhặt kia chúng cũng hình thành bởi nhiều duyên, nhiều ý niệm khác mà thành nó trùng trùng duyên khởi. Tâm chúng ta vẫn luôn luôn xôn xao bất ổn, hêt cái này hết ý niệm này đi, lại ý niệm khác đến; căn, trần, thức duyên nhau tạo ra đủ những vọng nghiệp – Nhãn căn, con mắt của mình thấy vật “ trần”, thì ngay chỗ đó, trong thời gian đó “ Căn” ( chứa nhóm những hình ảnh quá khứ ) liền hiện hành, cũng ngay chỗ đó thời gian đó nhãn thức sự phân biệt biết của mắt liền hiện hành, tự duyên lấy vật “ trần”, “ căn” từ những hình ảnh xa xưa trong quá khứ rớt lại trong tàng thức trong “ căn”. Những hình ảnh đó gọi là “ lạc ảnh tử”. Hình ảnh rớt lại duyên lấy hình ảnh ý niệm đó rồi tự đạo diễn nhận định phán xét cho đó là thật là giả, tốt xấu xây dựng nên nội dung, nền tảng khác nhau bằng sự “ Thọ cảm”. Từ ngay chỗ “ Thọ cảm” đó xây dựng nên nền tảng “ Tưởng”, do thọ cảm, cảm xúc mát dịu êm đềm thì cho đó là tốt là đẹp, ngược lại thì xấu là dở.

 

Các bạn có thấy không? Sự hiện hành của vọng nghiệp rất là dày đặc dính chặt khó buông. Một chuỗi sinh diệt vọng chấp như thế nó cứ tiếp diễn, tiếp tục gọi là “ Hành”, mà để cho những chủng nghiệp đi vào tuần tự có lớp sai biệt khác nhau thì “ Thức” luôn luôn có mặt trên; Sắc, Thọ, Tưởng, Hành. Rồi cũng có mặt luôn trên; Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức, Ý thức. Những  “ căn thức” trên chúng tự duyên vào; Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp. Nó cứ liên tục tự duyên với nhau liên tục qua lại tạo nên thế giới biến đổi vô thường.

Đó chỉ nói sơ qua một chuỗi sanh diệt của vọng thức nhằm để cùng nhau nhắc lại mỗi chúng ta hãy tỉnh giác trong từng ý niệm, đừng đắm chìm vô minh chạy theo vọng nghiệp. Ngay cuộc sống vọng nghiệp cũng nổi lên như thế, cũng ngay nơi chỗ mà chúng ta đang tu niệm cũng vậy, đang niệm “ Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha. Bộ Lâm” tâm ta thanh thản an định, tự nhiên những hình ảnh trong quá khứ đã qua nó được chứa nhóm trong căn, trong tàng thức đột nhiên xuất hiện. Nếu ngay giờ phút đó chúng ta không biết được chân tướng của vọng nghiệp trên thì nó sẽ dẫn ta chu lưu trong những chuỗi sanh diệt, trùng trùng sanh diệt như trên. Các bạn hãy tự mọi cá nhân chúng ta phải biết, phải quán soi cho thật kỹ về vọng nghiệp, biết rõ các duyên do duyên hợp huyễn có. Nếu mỗi người chúng ta ai cũng biết như vậy, thì ngay chỗ đó vọng nghiệp đó sẽ tự hóa giải, thần chú Chuẩn Đề “Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha. Bộ Lâm” nó sẽ nổi lên ngay chỗ vọng nghiệp đó. Thì ngay nơi vọng nghiệp đó sẽ được thần chú Chuẩn Đề hóa độ.

 

Chúng ta ngồi tĩnh tọa hay thực hành pháp tu niệm “Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha. Bộ Lâm” trong tứ oai nghi; đi, đứng, nằm, ngồi. Khi các bạn dùng tâm của mình niệm, nghĩa là khi niệm các bạn không cần phải nhép miệng, không cần phải dùng miệng của mình để niệm. Mà các bạn nên quán tưởng nghe âm thanh từng chữ “Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha. Bộ Lâm” tức là dùng phương pháp “ Quán âm”, nghe âm thanh như vậy nó rất rộng lớn, âm thanh “Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha. Bộ Lâm” nó sẽ ở khắp mọi nơi trong tâm của bạn. Khi bạn nghe hãy nhìn theo hướng âm thanh đó, quí bạn có biết nó nằm ở đâu không? ở phương hướng nào không? Khi đó bạn sẽ thấy được hình ảnh của hư không mà bao lâu nay các bạn đã từng nghe Đức Phật nói trong kinh. Quí bạn có thấy hư không bao la không? Nó bao la lắm, nó sâu thẳm trong tâm ta. Nhưng ngay nơi đó cái gì để biết cái hư không rộng rãi huyền diệu đó. Khi các bạn thấy như vậy gọi là “ Chiếu kiến” – Chiếu kiến tức là sự sáng tỏ, sự thấy sáng tỏ như một ánh đèn phựt lên trong hư không kia, gọi là “ Chiếu kiến”, nó khác với sự thấy phân biệt của nhãn căn ở trên. Sự sáng soi đó nó từ nơi đâu mà đến trong hư không đó. Đây chính là tâm của mình, hư không cùng vạn pháp bao la như vậy, nó luôn được bao bọc ở trong tâm ta, trong sự sâu thẳm mật nhiệm – Tâm mật vi diệu.

 

Quí bạn nghe âm thanh “Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha. Bộ Lâm” như vậy thì sẽ sanh được sự hỷ lạc, nét mặt chúng ta sẽ lộ lên vẻ hoan hỷ vui vẻ, không cười vẫn thấy cười âm thanh vi diệu của mật chú Chuẩn Đề từ trong sâu thẳm đó phát ra, nó sẽ là động lực tác động lên hệ thần kinh, tim mạch làm cho ta vững tin, an nhiên. Ngay nơi tâm đó nó sẽ sanh Định, cái Định đó sẽ sanh hỷ lạc. Chúng ta tu học như vậy sẽ có được Sơ thiền- Nhất thiền, Nhị thiền, Tam thiền nhẫn đến Tứ thiền. Từ cấp độ năng lực tu học mà hình thành cung cõi trong tâm chúng ta, những cảnh trời vi diệu hương thơm, ánh sáng cũng do sự Định lực của mình mà xâm nhập vào sắc giới. Khi tâm ta vui, an nhiên hỷ lạc, tâm tánh thoải mái nhẹ nhàng, từ trong tâm đó sanh ra những sắc tướng cùng quốc độ.

 

Như vậy người hành giả tu theo mật chú Chuẩn Đề, quán soi chiếu kiến được ngũ uẩn; sắc, thọ, tưởng, hành, thức như trên. Thì tâm của mình sẽ tự sinh ra từng cảnh giới quốc độ khác nhau, tùy theo từng năng lực tu niệm của mỗi hành giả. Thần chú Chuẩn Đề sẽ dẫn ta thoát sanh theo từng quốc độ khác nhau, nhẫn đến thần chú Chuẩn Đề sẽ đưa hành giả đến quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

 

 

 

Cư Sĩ Thanh Hùng

 

Pháp Hiệu Chánh Trí

COMMENTS

WORDPRESS: 0