Một ngày cuối xuân. Tôi đến thăm bà cụ ở xóm. Bà đã trên 80 tuổi, đang mắc một căn bệnh ngặt nghèo là ung thư bao tử. Bà cụ tên Dương Thị Tư. Bác sĩ tại bệnh viện Chợ Rẫy sau khi chẩn đoán đã tiến hành làm phẫu thuật cho bà. Thật ra là chỉ cốt để giữ lại mạng sống cho bà một thời gian ngắn mà thôi. Ấy vậy mà sau khi làm phẫu thuật cắt bỏ hai phần ba bao tử của bà đi, bà đã sống thêm được 3 năm và việc sinh hoạt ăn uống của bà cũng có sự thay đổi một cách bất ngờ.
Trước khi phát hiện bệnh ung thư bao tử này. Mỗi bữa cơm bà cụ chỉ ăn được nửa chén hoặc là cháo để thay cơm. Sau khi phẫu thuật cắt đến 2/3 bao tử bà lại ăn mỗi bữa khoảng hai đến ba tô cơm lớn!
Chuyện lạ đồn đi khắp xóm làng. Kích thích tính hiếu kỳ, tôi đến thăm bà cụ vào khoảng 6 giờ rưỡi chiều. Tôi đến nhà bà cụ ngồi chơi uống nước trà và nói chuyện với đứa con rể của bà trong ánh đèn dầu lờ mờ tối vì bị cúp điện. Trong lúc trò chuyện, tôi có để ý đến bà cụ. Chợt thấy bà bỗng ngồi dậy, tóc tai rối bù, mắt bà láo lia và đưa cặp mắt đỏ ngầu nhìn tôi. Tôi thấy miệng của bà có màu đỏ chói như máu. Khi ánh mắt của bà vừa chạm vào mắt tôi thì bà vội vã quay mặt vào trong vách tường. Tôi thấy ngay đây là hiện tượng lạ. Tay tôi thầm bắt ấn Kim cang miệng đọc Thần chú Chuẩn Đề, và trí tôi quán tưởng đến Kính Đàn. Tôi nhìn thấy kính đàn phát sáng, cho thấy rõ ràng hình tượng Đức Chuẩn Đề Phật Mẫu và hai chư vị sứ giả đứng hai bên cầm quạt. Ánh sáng trong kính đàn sáng lên soi thấy người ngồi trong đó là một ông cụ già có cặp mắt đỏ ngầu. Và cái miệng của ông ta dính đầy máu như mới vừa bị hộc máu. Tôi hiểu là bà cụ này đã bị cụ già đó chiếm xác rồi. Tôi liền bước đến bàn thờ đốt nhang lên, và kiết ấn Chuẩn Đề làm phép hộ thân. Tôi đọc thần chú khoảng 21 biến. rồi tiến đến gần bà cụ, buông ấn trên đầu xoa vòng một cái. Bà ta rùng mình hai ba lần rồi nằm ngay xuống giường.
Tôi từ giã ra về. Lúc đó khoảng 9 giờ 40 phút tối, trên đường về, tai tôi nghe một giọng nói sau lưng “Thầy chờ tôi đi với”. Tôi quay lại nhìn thì thấy là cụ già chiếm xác bà Tư lúc nãy. Tôi lặng thinh đi một mạch về đến nhà. Tôi đến trước bàn thờ, quán tưởng kính đàn và đọc Thần chú hộ thân.
Khi đó Chư vị cũng đã dẫn cụ già đó vào nhà. Ông cụ đó nói với tôi: “Tôi biết Thầy là người tu hay giúp người, thầy hốt thuốc trị bệnh cho người ta. Về chuyện này, mong Thầy đừng nhúng tay vào, vì đây là chuyện nghiệp quả của tôi. Bà Dương Thị Tư trước đây 40 năm là vợ của tôi. Chúng tôi thương yêu nhau rất đậm đà. Cứ ngỡ cuộc đời chúng tôi sẽ trải qua trong hạnh phúc, vui tươi, nào ngờ tôi lại bị mắc căn bệnh ung thư bao tử ngặt nghèo. Tiền bạc, đất đai đều bán hết mà cơn bệnh vẫn càng ngày càng nặng hơn. Trong lúc tôi đau bệnh và khổ sở như thế thì bà ta ngoại tình với người khác. Cuối cùng đã bỏ tôi để đi theo người đó. Tôi quá buồn tủi và đau khổ đến hộc máu mà chết tại bệnh viện Chợ Rẫy. Thầy đã nhìn cái tướng của tôi khom lưng mà đi chứ không đứng thẳng được. Còn miệng tôi thì cứ bị hộc máu như vậy suốt 40 năm qua. Bịnh tình cứ diễn đi diễn lại như thế vì tâm thức của tôi mang nặng lòng oán hận cho nên tôi đã ở lại bệnh viện 40 năm để chờ đợi bà ta.
Hôm nọ, tôi nhìn thấy bà đến bệnh viện này với căn bệnh ung thư bao tử giống như tôi ngày trước. Thật đúng là quả báo tuần hoàn. Tôi liền nhập vào xác của bà cho đến thời điểm bây giờ là gần 3 năm. Tôi biết Thầy đã thấy, biết chuyện tôi nhập vào xác của bà ta, nhưng cũng rất mong Thầy cho tôi yên để gội rửa mối hận trong lòng này”.
Thật là một câu chuyện thương tâm. Nghe ông kể lể xong, tôi khuyên ông cụ nên tĩnh tâm dẹp bỏ đi lòng thù hận và lo tu hành. Tôi sẽ không nhúng tay vào mà chỉ mong ông cụ đừng làm hại người. Hãy khơi lại tình thương của mình và xoa dịu những mất mát đau thương. Ông cụ hứa: “Tôi sẽ không làm gì hại đến gia đình đó. Còn vài ngày nữa là sẽ đến ngày mùng một . Tôi sẽ trả xác lại cho bà ta. Ngày đó cũng là ngày tôi đã mượn xác được đúng 3 năm. Ngày tôi ra đi tôi mong được Thầy dạy tôi tu theo phép Phật, và được quy y theo Phật. Tôi rất mong”. Tôi hứa với ông cụ là lúc ông ra đi tôi sẽ giúp cho phương pháp tu hành. Ông ta rất vui mừng từ giã ra đi.
Thế là ngày mùng một cũng đã đến. Chính là cái mốc thời gian mà ông cụ hứa trả lại xác cho bà Tư. Đêm đó thời tiết đã chuyển sang mùa đông. Trời se se lạnh. Cảnh vật âm u bao trùm khắp cả không gian của thị trấn. Không biết vì thời tiết thay đổi hay vì lý do gì khác hơn, đêm đó tôi không sao ngủ được. Trằn trọc cả đêm, tôi thức dậy và đi rửa mặt và tôi mở cửa bước ra nhìn phía ngoài đường lúc này là khoảng 11 giờ đêm.
Những con vạc đâu đó đi ăn đêm bắt đầu trở về tổ. Cảnh đêm đông thanh vắng, ảm đạm.
Bỗng xa xa từ phía nhà của bà Tư, con chim cú từ đâu bay về kêu lên từng hồi như báo hiệu một điểm chẳng lành. Âm thanh của nó làm cho người cậu của tôi đang nằm ngủ trước nhà run lên bần bật vì sợ hãi. Chiếc giường cậu nằm cũng run lên kêu lộp cộp. Con chim cú kêu mãi như vậy tới khoãng 1/2 tiếng đồng hồ.
Bỗng cũng từ phía nhà bà Tư vang lên một tiếng thất thanh “Bớ người ta cứu tôi với”… tiếp theo lại có nhiều tiếng la khác … đánh thức cả khu xóm. Người cầm đèn, người cầm đuốc chạy qua xem.
Tôi cũng đi để xem việc gì đang xảy ra. Tôi rất bình tĩnh vì đã biết ông cụ Nguyễn Văn Hai đúng ngày hẹn rời khỏi xác của bà Tư để ra đi.
Khi tôi đến nơi vào nhà thì thấy bà Tư nằm thiêm thiếp bất động. Tôi nhìn thấy ông Hai ngồi trên đầu giường của bà. Ông cụ thấy tôi bước vào thì chào tôi. Tôi nói thầm với ông: “Ông Hai nghe! Mong ông đừng làm kinh động quá sẽ ảnh hưởng đến mọi người”.
Sau đó, tôi nghe người nhà kể lại là bà Tư mấy ngày nay nằm bất động như chết. Tay chân không cọ quậy, không ăn uống gì được cả. Nửa thân người ở dưới lạnh ngắt và cơ thể bốc mùi hôi thối. Gia đình đã chuẩn bị hậu sự cho bà, kêu con cháu về nhà để canh giữ và chăm sóc cho bà những ngày cuối. Thì đến khoảng 12 giờ đêm, khi mọi người đã mệt mỏi và đang chập chờn trong giấc ngủ thì bà Tư bỗng ngồi bật dậy và đi quanh nhà. Người con út đang nằm trên ghế gần đó thấy chuyện kinh khủng quá nên la lên kêu cứu. Mấy người khác thức dậy chứng kiến cảnh tượng đó cũng hãi hùng kêu cứu và chạy tán loạn ra ngoài. Nghe tiếng la bà Tư trở về giường nằm im như cũ. Sự kiện xảy ra bất ngờ và quá sức tưởng tượng của mọi người.
Người chủ nhà là bạn của tôi nhờ tôi giúp đỡ. Tôi nhận lời và đến ngay chỗ bàn thờ gần giường của bà. Tôi lấy ra một cái Kính Đàn, một tấm linh phù ,Khăn ấn. Tôi vừa đốt nhang vừa cầu nguyện hướng về ông Hai đang trong xác của bà Tư. Tôi nói: “Hôm nay là mùng một, là ngày ông cụ hứa sẽ ra đi. Ông hãy tĩnh tâm, bước ra bàn thờ đi. Tôi sẽ điểm đạo giúp ông và trao cho ông Ngũ Bộ Chú – Chuẩn đề để mà tu hành cho tốt. Từ nay về sau hãy trút bỏ hết hận thù và đừng oán hận nữa. Sau khi nhận “Ngũ bộ chú” này ông sẽ thấy thân tâm an lạc. Ông hãy đảnh lễ Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Thần, và Tổ Thầy. Mỗi lễ là 3 lạy”.
Ông Hai quì trước bàn thờ làm theo lời của tôi. Sau đó tôi điểm đạo bằng cách cho ông đọc theo tôi 49 biến Chuẩn đề. Vừa đúng 49 biến, tôi thấy có một vị râu tóc bạc trắng, đeo xâu chuỗi hiện ra từ trong lá Thiên Thơ. Vị này thường đến mỗi khi tôi làm lễ quán đảnh.
Nhận lễ quán đảnh xong. Những cơn đau và bệnh tật của ông Hai tan biến mất. Ông vui vẻ lạy lễ Chư Phật, Tổ Thầy và cùng chư vị Hộ pháp ra đi. Tôi đảnh lễ Chư vị, và phụng tống Chư vị an vị. Sau đó kiết ấn Kim cang quơ từ đầu đến xuống chân bà Tư 3 lần. Bà Tư đang nằm ngửa thì chuyển thân nằm nghiêng, xoay mặt vào vách tường. Tôi nói với người con của bà là khoảng 4 đến 5 h sáng bà Tư sẽ ra đi. Gia đình hãy chuẩn bị làm đám tang cho bà. Nói xong tôi ra về. Nằm thiếp đi được một giấc thì bên nhà bà Tư có người qua báo bà Tư đã trút hơi thở cuối cùng.
Trong đám tang của bà Tư có những vị cao tăng đến dự. Trong đó có hai vị (là Thượng tọa và Hoà thượng đã có bề dày tu học hơn 40 năm trong đạo) mấy ngày trước khi bà Tư mất đã có đến để tụng kinh cầu siêu cầu an cho bà.
Hai Vị này kể lại câu chuyện mà họ đã trải trong lúc họ tụng kinh cho bà Tư như sau: ” Tôi được gia đình bà Tư rước đến nhà đây để tụng kinh cầu siêu cho bà Tư. Ngày thứ nhất tôi đến khoảng 4 giờ chiều tụng xong một thời kinh. Gia đình dọn cơm cho tôi ăn. Trong khi tụng, lòng tôi cảm thấy rất bất an, khó chịu, tinh thần không ổn định. Rồi bỗng tôi nghe thấy một tiếng “Xí!” lớn, rồi bà Tư quay mặt vào trong vách. Đêm đó tôi ngủ trên một ghế bố đặt sát bên bàn thờ Phật, sát bên giường bà Tư. Tôi ngủ sớm để khoảng 10 giờ 30 thức dậy tụng thêm một hồi kinh nữa. Khoảng 9 giờ tối, mọi người mệt nhọc nên đều đi ngủ sớm.
Tôi nằm ngủ trên ghế bố thì nghe có người gọi tôi : “Ông Thầy, ông Thầy dậy đi về đi. Tôi không có nghe kinh đâu. Nếu ông còn ở đây tôi bóp cổ ông. Ông đi về tôi đón đường xô ông té nghe chưa. Đi về đi”. Tôi nghe gọi tôi hai lần như vậy. Nhưng đã lỡ đến đây rồi, trời lại sắp sửa 10 giờ khuya nên tôi ráng kiềm lòng ở lại đại. Tụng xong một thời kinh, tôi liền cuốn gói ôm đồ để người nhà chở tôi về, lúc đó khoảng 12 giờ hơn. Khi tôi vừa bước ra khỏi cửa thì từ phía đằng sau có một ai đó đạp tôi xuống. Hai đầu gối tôi té qụy xuống và sưng lên. Tôi sợ quá liền lên xe ra về. Hôm sau không dám đến tụng kinh nữa”.
Những Vị Thầy trên tuy mặc đồ tăng, ăn chay, cạo đầu, có chức phẩm và có hình dáng của tu sĩ , nhưng thực chất họ không có Thiên Long Bát Bộ Hộ Pháp che chở mới dễ dàng bị những vong hồn kia xô ngã.
Người tu Mật tông khi được chân truyền, thì có được năng lực huyền bí của “Ngũ bộ chú – Chuẩn đề” chứa đựng quyền năng vô biên của Chư Phật gia trì. “Thần chú rất khó gặp. Có người trải qua vô lượng kiếp vẫn không nghe được những âm thanh của Thần chú huống chi là được truyền dạy (Quán đảnh) thọ trì, tu hành.” Chúng ta rất có phước báu mới được trao truyền pháp quý để tu hành đến đích.
Qua bài viết này hy vọng quí bạn đạo hãy cùng tôi chia sẻ những niềm vui cao cả về tâm linh trong đọan đường tu học. Tôi cũng mong đem đến những niềm tin và những lý tưởng nhỏ cho mọi người qua kinh nghiệm về những huyền linh trong đạo pháp, hay những hương thơm vi diệu của kỳ hoa dị thảo trong khu vườn Mật tông.
Cư sĩ Thanh Hùng
Pháp Hiệu Chánh Trí
Mật tông hiệu: Kim Cang Kiết Tường
COMMENTS
Trong câu chuyện Thầy có kể lại: “Tôi biết Thầy là người tu hay giúp người, thầy hốt thuốc trị bệnh cho người ta. Về chuyện này, mong Thầy đừng nhúng tay vào, vì đây là chuyện nghiệp quả của tôi. Bà Dương Thị Tư trước đây 40 năm là vợ của tôi. Chúng tôi thương yêu nhau rất đậm đà. Cứ ngỡ cuộc đời chúng tôi sẽ trải qua trong hạnh phúc, vui tươi, nào ngờ tôi lại bị mắc căn bệnh ung thư bao tử ngặt nghèo. Tiền bạc, đất đai đều bán hết mà cơn bệnh vẫn càng ngày càng nặng hơn. Trong lúc tôi đau bệnh và khổ sở như thế thì bà ta ngoại tình với người khác. Cuối cùng đã bỏ tôi để đi theo người đó. Tôi quá buồn tủi và đau khổ đến hộc máu mà chết tại bệnh viện Chợ Rẫy. Thầy đã nhìn cái tướng của tôi khom lưng mà đi chứ không đứng thẳng được. Còn miệng tôi thì cứ bị hộc máu như vậy suốt 40 năm qua. Bịnh tình cứ diễn đi diễn lại như thế vì tâm thức của tôi mang nặng lòng oán hận cho nên tôi đã ở lại bệnh viện 40 năm để chờ đợi bà ta”.
Dòng tâm sự trên là của người đã chết hay của nghiệp thức lưu chuyển và liệu có khác với những ý niệm, vọng tưởng đang trùng trùng duyên khởi trong những người đang sống? Câu chuyện của Thầy là minh chứng sinh động để người hành giả quán soi lại tam pháp ấn mà Đức Phật đã nói ra: Không, Vô thường, Khổ.
Đôi vợ chồng già kia lúc còn trẻ đã từng có thời gian sống yêu thương, hạnh phúc, vui vẻ. Cứ như vậy, họ sống trong sự vui thích của ái luyến và mong muốn cuộc sống sẽ luôn được như vậy. Nhưng “hạnh phúc chẳng tày gang” vì cuộc sống luôn vận động, chuyển hóa mà họ chẳng hay. Cũng như con bướm kia thôi, được sinh ra từ kén, hóa nhộng rồi thành một cánh bướm rong chơi với vòng đời ngắn ngủi mấy mươi ngày là cùng. Con người, rồi các vị thần, thánh… cũng không khác nếu chưa thâm nhập vào tri kiến Phật, tùy theo cấp độ tư tưởng cao thấp mà thọ mạng dài ngắn, phước báu khác nhau vì đã có tướng thì đều bị sinh – trụ – dị – hoại – diệt.
Vì vô minh nên chúng sinh đều không hay biết về việc thân, khẩu, ý của mình cùng với sắc trần, căn thân đang duyên hợp và tạo tác, hình thành nên những quả trong tương lai và nghiệp tập từ nhiều đời trước cũng đang chờ đủ cơ duyên để thể hiện nên quả đời nay. Do chấp vào thân này của ta, thân kia của người, chấp vào những thọ cảm nên khi có cơ hội chúng sinh đều tham muốn hưởng thụ những khoái cảm, ái dục. Đã chấp những thứ trên thì chỉ sinh ra Khổ vì khi đã thỏa mãn cái thọ cảm này rồi thì sẽ sinh ra chán ngán và muốn hưởng thụ một cái thọ cảm khác, mới lạ hơn; hoặc nếu không được thỏa mãn thì sinh ra đau khổ, giận hờn, tạo nghiệp. Đôi vợ chồng già kia cũng vậy!
“Chúng sinh sợ quả, Bồ tát sợ nhân”, vì biết tâm tính chúng sinh như vậy nên Chư Phật, Chư Bồ tát đã thị hiện theo nhiều cách để giáo hóa chúng sinh. Năng lực của thần chú Úm Chiết lệ chủ lệ Chuẩn đề ta bà ha Bộ lâm. Om ma ni pad mê hum đã giúp xoa dịu, giải kết những nỗi niềm uất hận của ông già kia, tâm thức được bình an quay về với đạo pháp để tu học.