Web Analytics Made Easy - StatCounter
HomeTiêu ĐiểmCư sĩ Thanh Hùng

THIỀN QUÁN MẬT CHÚ CHUẨN ĐỀ QUA CHỨNG ĐẠO CA – PHẨM 19

Chánh Văn

 

Du Giang Hải Thiệp Sơn Xuyên.

Tầm Sư Học Đạo Vị Tham Thiền

Tự Lòng Nhận Đắc Tào Khê Lộ,

Liễu Tri Sanh Tử Bất Tương Can.

 

Dịch Nghĩa

 

Qua Sông Biển, Vượt Sơn Xuyên

Tìm Thầy Hỏi Đạo Khắp Tham Thiền.

Từ Khi Nhận Được Tào Khê Lối

Rõ Ra Sanh Tử Chẳng Tương Can.

 

Phẩm luận này đức Huyền Giác nói lên sự học đạo của Ngài rất cực khổ, cũng đã từng lội suối băng đèo quảy túi đi hàng trăm cây số đói khát. Qua bài luận này chúng ta suy nghĩ lại xem giữa lúc bây giờ chúng ta học đạo thật dễ ít tốn công. Công sức bỏ ra rất ít, việc học đạo rất dễ đâu đâu cũng có Thầy, có kinh sách in phổ biến khắp nơi giảng thuyết cũng khắp nơi. Từ chỗ dễ dàng kia mà đôi khi chúng ta giãi đãi không cố tâm quyết chí tầm học hỏi đạo.

 

Hở ra một chút khi va chạm đến lòng đến ý niệm danh dự ngã chấp của mình lại giận hờn bỏ đi để tìm người khác. Vì hiện nay thật nhiều Thầy, nhiều sư giảng thuyết khắp nơi chùa chiền mọc lên như nấm, bước vài bước đi vài cây số là có Thầy có chùa ngay. Kinh điển được in ra rải khắp mọi nơi, nhiều hình thức khác nhau.  Có chỗ cho, có chỗ bán rất tiện lợi. Khi người tầm hỏi đạo thấy không thích Thầy này, đi tìm Thầy khác khi thấy Thầy này không theo ý mình, không đúng với nhóm của mình chạy qua chạy lại. Mỗi chỗ đến huân tập một chút, rồi huân tập trong kinh giảng mỗi cái chất chồng lên nhau, chứa đầy dẫy trong tàng thức, căn trần của mình. Nếu chúng ta không tỉnh giác quay về tự tâm Thanh tịnh thì dong ruổi càng ngày càng xa đạo. Vì mỗi lần nghe kinh giảng, nghe thầy thuyết đem về ôm ấp trong lòng của mình, chất chứa thành một đống kinh nghiệm rồi mang đống kinh nghiệm đó đi khắp nơi, gặp ai cũng đấu lý đấu pháp không chịu quán soi lại tự tánh của mình mà tu học.

 

Hai còn đường đều tu cả. Một con đường là ta cũng huân tập kinh sách, luận giải Phật pháp mà không quay lại tự tánh Thanh tịnh của mình chỉ đem sự huân tập đó bao đầy ngã chấp của mình. Còn con đường thứ hai, khi huân tập Phật pháp cũng nghe kinh giảng luận. Nhưng ngay nơi đó người hành giả đó tỉnh giác lại thấu hiểu diệu nghĩa lý sâu này, quên chương cú ngữ ngôn không chấp vào ngữ ngôn luận giải đó mà đấu lý, đấu pháp cho rằng ta hay, ta đạt đạo. Chứ họ đâu biết rằng, những cái mà họ huân tập trong tâm trong căn tàng thức chất chưa thành kinh nghiệm, ý thức hệ. Những thứ mà họ cho là hay, là cao thượng trên cũng đều lấy của nhiều người khác, hoàn toàn của người khác và do ta vọng tưởng mà xây dựng lên, rồi mình lấy  đem về bảo rằng của mình.

 

Còn con người quay về quán soi được tự tánh Thanh tịnh, họ nhìn thấy tất cả không thật tướng, do sự giải hợp mà nên. Cho nên họ sống cũng như tu đạo, lấy lẽ sống hàng ngày của mình mà tu mà sống. Một sự sống chân thật an lành, họ không nặng nhẹ ở bất cứ một giác niệm vọng niệm nào cả. Vọng tưởng và chân tánh không hai, bỏ một giữ một cũng không phải. Vọng tưởng lăng xăng như sóng biển chân tánh bao rộng như mặt biển cả. Sóng với mặt biển không hai. Ở ngay đây, chúng ta nói một cũng không được, nói hai cũng không. Nếu ly sóng biển thì không có mặt biển, ly mặt biển thì không có sóng. Như vậy khi quán soi thật tướng, chúng ta sẽ thấy sóng không dấy động thì thấy toàn mặt biển. Không phải dẹp, phải đưa sóng đi nơi khác mà thành mặt biển. Vọng tưởng cũng vậy. Vọng tưởng không động thì tự tánh hiện, sóng ấy từ mặt biển mà dấy lên, rồi sóng lặng về mặt biển. Không có sự bỏ đưa đem đi nơi khác, cũng không có sự  giữ lại. Như vậy bỏ và giữ là hai, nhưng sóng và biển không hai thì chuyện bỏ giữ sao làm được, phiền não và thanh tịnh chỉ một mà thôi.

 

Ngay nơi đây, chúng ta phải tỉnh giác nhìn lại cho kỹ, quán soi cho đúng thì sự tu của mình sẽ không vướng ngại. Nếu bỏ vọng tâm giữ chân tánh đó là người ngu. Như vậy, thì chúng ta không biết bóng ấy cũng từ trong gương mà ra, sóng biển kia cũng từ trong biển mà ra. Vọng tưởng khởi ra là khởi từ chân tâm chân tánh. Cũng như sóng biển khởi lên cũng từ mặt biển, rời mặt biển làm gì có vọng tưởng, rời chân tâm sao có vọng tưởng.

 

Như vậy qua chi tiết trên chúng ta có thấy vọng tưởng có đáng sợ không? Nếu không đáng sợ để nó khởi lên luôn luôn như vậy có được không? Ở ngay đây mới là sự tu hành, đức Huyền Giác đã lặn lội trèo non vượt suối cuối cùng gặp đạo Tào Khê, gặp Lục Tổ mới ngộ ngay cái lý Bát Nhã trên. Vì đức Lục Tổ Huệ Năng luôn thể hiện đạo trong bàng bạc sự sống của mình, vạn niệm vạn vật kia nó cũng trong tâm chân tánh Thanh tịnh. Khi vọng tưởng nổi lên thì ngay nơi đó giác niệm cũng nổi lên, giác niệm ấy là trí Bát Nhã, cái biết hằng có. Nó luôn luôn biết không ngăn ngại trong vọng tưởng. Nếu tất cả vọng tưởng vọng niệm nổi lên không có cái biết ở trong đó thì không bao giờ có vọng tưởng, có cái biết mới biết vọng tưởng. Nhưng cái biết ở đây là cái thường biết, nó không chạy theo vọng niệm để phân biệt. Nếu chạy theo vọng niệm để phân biệt, tức là cái biết vọng động. Còn cái biết của trí Bát Nhã hằng có không vọng động. Một cái biết chân thật! Cái biết đó bao đời, bao kiếp từ vô thủy vô chung đến nay nó không hơn không kém không tăng không giảm. Cái biết đó nó sẽ chứng minh cho chúng ta rằng trong vạn niệm, trong mỗi cử động, trong tất cả nó đều biết. Nếu không có nó ta không biết gì cả.

 

Từ Khi Nhận Được Tào Khê lối,

Rõ Ra Sinh Tử Chẳng Tương Can.

 

Lục Tổ từng dạy: “ Môn tọa thiền này vốn chẳng dính mắc tâm, cũng chẳng dính mắc nơi tịnh, cũng chẳng phải là chẳng động”. Thiền ở đây không dính mắc ở sự động và tịnh.

 

Nếu dính mắc tâm thì tâm vốn là vọng, biết tâm như huyễn nên không, không có chỗ dính mắc. Nếu nói dính mắc tịnh thì tánh người sẵn tịnh, do vọng niệm nên che lấp chân như, chỉ không vọng tưởng thì tánh tự tánh Thanh tịnh. Còn khởi cái tâm dính tịnh thì sinh ra tịnh vọng.

Một câu nói thật thoải mái nhẹ nhàng, ngay nơi ấy người hành giả sẽ tìm được sự an lạc của chính tự tâm của mình, thật không uổng công ngài Huyền Giác đã lặn lội tìm Ngài. Công sức trí huệ của các Ngài rất đáng ngàn đời kính  cẩn vâng theo

 

Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha. Bộ Lâm, công sức đó, trí tuệ  đó cũng là Mật chú Chuẩn Đề người hành giả phải biết tự tánh Thanh tịnh của mình, các pháp là như thế để vào cuộc sống sinh hoạt hàng ngày ca bài ca – Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha. Bộ Lâm âm diệu đó sẽ du dương lan tỏa trầm bổng trong vạn sự vạn vật muôn thuở.

 

Tâm Vương Không Tướng Cũng Không Hình

Mặt Tựa Ly Châu Vẫn Chẳng Minh

Muốn Biết Loại Này Chân Diện Mục

Ha! Ha! Giữa Ngọ Là Canh ba.

Tuệ Trung Thượng Sĩ

 

Cư sĩ Thanh Hùng

Mật tông hiệu: Kim Cang Kiết Tường

COMMENTS

WORDPRESS: 3
  • comment-avatar

    Nếu bỏ vọng tâm mà giữ chân tánh thì vẫn là kẻ ngu. Như Thầy hướng giải cho chúng ta thấy đó chỉ là sự khác biệt về ngôn ngữ văn tự thôi chứ trên thực tế vẫn là những sự chấp dính phân biệt của cấu tịnh, được mất, đau khổ sướng vui… Cho nên chúng ta tu sao thấy sao mà không có bị mắc kẹt vào ngôn ngữ văn tự thoát ý mà quên lời lấy đó làm sự tự quán soi quay về với chính mình đó mới là sự thật hành thật tu để tự thấy hay biết nơi tâm mình mà tinh tấn phát triển trên con đường tu học

  • comment-avatar

    Úm Chiết lệ chủ lệ Chuẩn đề ta bà ha Bộ lâm. Om ma ni pad mê hum. Úm A Hùm…

  • comment-avatar

    Những lời thầy viết ra đây rõ ràng từng câu từng lời, từng sát na cho chúng ta rõ biết thật tướng nó như thế nào. Ai??? Không ai??? Có thể viết ta rõ ràng như vậy Thầy được. Càng tu, càng đi sâu mới thấy nếu ta khế hợp được ý Thầy thì thật có Phước biết mấy. Bóng cũng từ gương mà ra. Nhưng tại sao ta chỉ thấy bóng không thấy gương. Nếu che mặt gương lại, ta mới biết bóng đi đâu mất gương vẫn còn đó, gương vẫn là gương. 
    Khi vọng tưởng nổi lên thj cái giác cũng nổi lên, vậy vọng tưởng có vì cái giác hằng có. Đơn giản quá sao mà ta mê mờ che lấp không nhận ra. 
    Không có cái giác sao có Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha Bộ Lâm, không có cái giác sao biết Phật ở đâu??? Biết Phật ở đâu mới vỡ oà hoá ra cái giác đó ai cũng có????